MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngây ngất khi xem Tân Nhàn hát chèo, xẩm, quan họ, chầu văn

H.N LDO | 18/03/2019 09:00

Liveshow “Trở về” của Tân Nhàn được chia thành 3 phần rõ nét. Mở đầu với chủ đề “Quê mẹ”, Tân Nhàn gửi tới khán giả những ca khúc "Trở về", "Tình đất", "Quê mẹ", "Hai quê", "Gặp nhau giữa rừng mơ"…, là những ca khúc đã gắn với tên tuổi Tân Nhàn mà khán giả yêu mến đã quá quen thuộc.

Điều bất ngờ nhất của liveshow, đồng thời cũng là phần mà Tân Nhàn dồn rất nhiều tâm sức, sự nỗ lực và trăn trở chính là phần 3 “Trở về” với mảng âm nhạc truyền thống. Những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống Việt Nam qua giọng hát Tân Nhàn cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử và dân tộc đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú và không ngừng tán thưởng.

Ca sĩ Tân Nhàn.

Ở phần này, Tân Nhàn đã không ngừng “biến hóa” kỳ diệu, khi thì cô hát làn điệu chèo cổ “Duyên phận phải chiều” hay “Đào liễu”, khi lại thể hiện ngọt ngào, xốn xang bài dân ca quan họ “Tương phùng tương ngộ”.

Đặc biệt, Tân Nhàn cũng gây ấn tượng mạnh khi cùng NSƯT Đình Cương thể hiện bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Nhiều khán giả đã rưng rưng rớm lệ khi mỗi lời hát của Tân Nhàn và NSƯT Đình Cương như khiến trái tim mỗi người nhói lên nhớ mẹ, nhớ công ơn sinh thành.

Tân Nhàn biến hoá kỳ diệu, gây ấn tượng mạnh trong liveshow.

Sau đó, Tân Nhàn lại gây bất ngờ khi hát xẩm cùng NSƯT Văn Ty bài “Mục hạ vô nhân”. Đây là bài xẩm mà NSƯT Văn Ty là người đầu tiên thể hiện và được đánh giá có chuẩn mực trong lối hát xẩm. Với “Mục hạ vô nhân”, Tân Nhàn không chỉ ăn ý với NSƯT Văn Ty ở cách hát, giọng hát, mà cô còn gây thích thú khi diễn tả cảnh cô vợ hờn dỗi, nũng nịu khi chồng cứ đánh mắt đò đưa ra bên ngoài. Cách diễn dấm dẳng vừa đủ của Tân Nhàn làm bài xẩm thăng hoa và ý vị hơn rất nhiều.

Tân Nhàn gây choáng ngợp, mang giá trị tư duy âm nhạc đương đại thế giới.

Và Tân Nhàn đã làm nhiều người bùng nổ cùng âm nhạc và những tinh hoa truyền thống khi cô hát “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Phần âm nhạc được cho là “kỳ lạ” của màn trình diễn này kết hợp cùng cách dàn dựng lộng lẫy như tái hiện hình ảnh Cô Đôi trong huyền thoại đao Mẫu của người Việt trên sân khấu đã làm khán giả vô cùng phấn khích, hò reo.

Tân Nhàn thể hiện tiết mục “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa“.

Tiết mục cuối cùng “Cô Đôi Thượng Ngàn” cũng là điều tuyệt vời nhất Tân Nhàn muốn gửi tới khán giả trong liveshow “Trở về”, để rồi khi MC nói lời chào tạm biệt thì Tân Nhàn vẫn đang muốn hát, muốn nhảy múa, còn khán giả như vẫn muốn tiếp tục nghe.

Đầu tư sân khấu, âm thanh gây choáng ngợp, Tân Nhàn còn thay hàng chục bộ đồ trong liveshow.

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Quang Long bình luận rằng, Tân Nhàn cũng là trường hợp hiếm nghệ sĩ hát được rất nhiều các thể loại âm nhạc truyền thống của dân tộc, anh thừa nhận: “Bao nhiêu năm đi khắp đất nước tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, tôi biết dù chỉ học một thể loại đã khó thế nào rồi, chứ chưa nói thể hiện nhiều thể loại như thế này.

Với tư cách một người có tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền, tôi thấy, Tân Nhàn đã thể hiện được ra tinh thần của mỗi bài bản, mỗi thể loại. Hát được nhiều thể loại đúng tinh thần như Tân Nhàn là hiếm thấy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn