MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Ngôi trường xác sống" có nhiều chi tiết ẩn ý, khiến khán giả nhớ đến thảm kịch chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014. Ảnh: Netflix.

"Ngôi trường xác sống": Khúc bi ca tưởng niệm về thảm kịch chìm phà Sewol

THU HƯƠNG LDO | 12/02/2022 13:54

8 năm trước, Hàn Quốc chấn động và bao trùm không khí đau thương vì thảm kịch chìm phà Sewol khiến hơn 300 người, trong đó có 250 học sinh thiệt mạng. Một lần nữa, khi xem bộ phim zombie “Ngôi trường xác sống” (All Of Us Are Dead), khán giả lại nhói lòng vì những tình tiết ẩn ý, nhắc nhớ đến thảm kịch này.

Series zombie “Ngôi trường xác sống” (All Of Us Are Dead) của Hàn Quốc đang tiếp tục duy trì sức hút, giữ vững vị trí số 1 chương trình truyền hình hàng đầu của Netflix toàn cầu 13 ngày liên tiếp (kể từ ngày 29.1).

Nhưng không chỉ gây ấn tượng bởi sự hoành tráng của dàn zombie khát máu, “Ngôi trường xác sống” đã vạch trần vấn nạn đau lòng của bạo lực học đường và những góc khuất trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt, khán giả xúc động khi bộ phim có nhiều tình tiết ẩn ý, gợi nhớ thảm họa chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014.

 Thảm kịch chìm phà Sewol được nhắc nhớ trong "Ngôi trường xác sống". Ảnh: Naver

Bạo lực học đường - nguyên nhân của thảm họa

“Ngôi trường xác sống” theo mô-típ của hầu hết phim thể loại zombie, kinh dị Hàn Quốc, nhưng chủ đề chính được nhấn mạnh ngay từ đầu là bạo lực học đường. 

Đó là bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của đa số với thiểu số, bạo lực của giáo viên đối với học sinh, của nam giới đối với phụ nữ và bạo lực do sự khác biệt giai cấp tạo ra. Bạo lực học đường là trung tâm của nguồn gốc và sự lây lan virus zombie (thây ma).

Giáo sư Lee Byeong Chan đã nghiên cứu ra virus mới vì đứa con trai Jinsu bị bạn học bắt nạt, đánh đập đến chết. Ông mong con sống lại và có khả năng chống trả. Nhưng không may, đây là virus zombie khiến Jinsu hung hãn, điên cuồng mất kiểm soát, tấn công cả mẹ ruột. Sau đó, một nữ sinh đã vô tình nhiễm virus này khiến chúng lây lan ra toàn trường. 

Lee Byeong Chan sai lầm khi phát minh ra thứ virus quá nguy hiểm, nhưng cũng thật đau lòng vì nó xuất phát từ tình cảm dành cho đứa con bị hệ thống giáo dục thối nát bỏ rơi. Ông từng đến trường phản ánh về việc con trai bị bắt nạt, nhưng nhà trường ngó lơ vì cho rằng đó là trò trẻ con.

Mặc dù gây tranh cãi, song phân cảnh nữ sinh Eun Ji bị đám bạn nam cầm đầu bởi Gwi Nam ép cởi đồ để quay “video nóng” vẫn là chi tiết gây ám ảnh, phản ánh trực diện vấn nạn bắt nạt trong môi trường giáo dục. 

Eun Ji sợ hãi đến mức có ý định tự tử và luôn canh cánh nỗi lo video đó bị đăng lên mạng, mặc kệ hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, zombie đang lây lan chóng mặt. 

Thật đáng buồn, thay vì trấn an, cô giáo nói với học sinh bị bắt nạt rằng: "Nếu bạn bè làm như vậy, chắc chắn em cũng có vấn đề". 

Không chỉ vậy, một nữ sinh mang thai mà thầy cô, bạn bè không hề biết. Cô bé đã tự sinh con và có ý định bỏ đứa bé vì sợ hãi trách nhiệm.

“Ngôi trường xác sống” đưa ra thông điệp rằng, cách giáo dục sai lầm của giáo viên sẽ hủy hoại nhiều học sinh và xã hội mà họ dày công xây dựng trong tương lai.

Hệ thống giáo dục thối nát gây ức chế đến đỉnh điểm khi ban giám hiệu chỉ tìm cách che giấu, lấp liếm thảm họa mà bỏ mặc các em học sinh trước loại virus chết người.

Nhói lòng khi nhắc nhớ thảm họa chìm phà Sewol

Theo Hankook Ilbo, trong “Ngôi trường xác sống”, các yếu tố phản ánh xã hội như thảm họa chìm phà Sewol và đại dịch cũng rất ấn tượng, khiến khán giả đồng cảm.

Giống như 8 năm trước, những đứa trẻ trường trung học Danwon trên phà Sewol đã chết oan, vì sự tắc trách của thuyền trưởng và các thành viên thuỷ thủ đoàn. Một lần nữa, học sinh trường Hyosan trong phim bị đẩy đến cận kề cái chết vì bị người lớn bỏ rơi, cô lập, mặc kệ tự sinh tự diệt. Tàn nhẫn hơn nữa khi lực lượng quân đội thay vì cứu những đứa trẻ, đã quyết định đánh bom vào ngôi trường để diệt virus lây lan. 

Các em đã đặt niềm tin sai chỗ khi trông chờ người lớn đến giải cứu, rồi cuối cùng nhận ra, chỉ có thể tự cứu chính mình: “Tôi không tin người lớn”, “Cháu sẽ không bao giờ nhờ người lớn làm gì nữa”, “Khi trẻ em chết, hy vọng sẽ biến mất. Khi người lớn chết, tri thức sẽ không còn. Hy vọng và tri thức, liệu ta sẽ coi trọng gì hơn?”...

  Những đứa trẻ đã sai khi đặt niềm tin vào người lớn.

“Ngôi trường xác sống” càng giống với thảm kịch chìm phà Sewol khi có phân cảnh những đứa trẻ đứng trước máy quay, gửi lời oán trách: “Bố mẹ đã đến tận trường để cứu chúng tôi, nhưng cảnh sát và lính cứu hỏa đã bỏ rơi chúng tôi. Nếu sau này có ai xem video này, hãy trừng phạt những kẻ đích đáng. Không ai cứu chúng tôi cả”.

Tình yêu trong sáng của Cheon Sang - On Jo và Nam Ra - Soo Hyuk vừa chớm nở cũng chóng tàn vì sự ích kỷ của người lớn, như cặp đôi đáng thương được tìm thấy thi thể buộc vào nhau trong phao cứu sinh trên phà Sewol 8 năm trước.

Sau tất cả, những dải ruy băng vàng ở cuối phim khiến khán giả xúc động nhớ về 250 dải ruy băng thắt chặt ước vọng tuổi trẻ của những cô cậu học sinh ngây ngô mãi mãi ra đi sau thảm kịch chìm phà Sewol.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn