MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong tương lai, học sinh THCS sẽ không học môn tích hợp Lịch sử và Đại lý. Ảnh minh họa: GDTĐ

Điều cần biết về môn tích hợp chương trình giáo dục phổ thông mới

Bích Hà LDO | 05/01/2019 14:54

Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tào (GDĐT) công bố, có hai môn học mới có tên gọi là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở.

Môn khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Còn môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.

Ngay khi chương trình các môn học này được công bố, không ít giáo viên thừa nhận, đến hiện tại, họ vẫn mơ hồ về môn tích hợp, cũng như phương pháp để dạy môn học mới này.

Bộ GDĐT và các thành viên trong ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những giải đáp liên quan đến những băn khoăn về môn học mới này của giáo viên và phụ huynh.

Vì sao phải dạy học tích hợp?

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết -  Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống. Qua đó giúp học sinh phát triển được những phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông kì vọng.

Ngoài ra, nó còn giúp tránh được sự trùng lặp kiến thức nếu dạy ở nhiều môn học, góp phần giảm tải so với chương trình hiện hành.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp giảm tải cho học sinh.

GS Thuyết cũng cho rằng, trong thực tiễn dạy học lâu nay, nhiều giáo viên đã vận dụng cách dạy học tích hợp, liên hệ, vận dụng kiến thức nhiều môn học để giảng dạy. Tuy nhiên, nếu quan điểm tích hợp được quán triệt ngay từ khâu thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa thì giáo viên sẽ vận dụng thuận lợi hơn và việc dạy học sẽ hiệu quả hơn vì được triển khai trên toàn hệ thống.

3 hướng dạy tích hợp trong chương trình GDPT mới

Theo Ban soạn thảo, chương trình GDPT mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học), tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp) và tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học)

Điều khiến đội ngũ giáo viên băn khoăn và lo lắng là các môn học tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lí) ở cấp THCS sẽ được giảng dạy thế nào - "một thầy 3 sách, hay một sách 3 thầy cùng dạy"?

Về điều này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT – cho biết, môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS vẫn có các mạch kiến thức độc lập, bên cạnh đó sẽ thiết kế các chủ đề liên môn.

Cụ thể môn lịch sử và địa lý sẽ có hai mạch riêng, nhưng ở các lớp 7, 8, 9 có chủ đề chung khoảng từ 6-10 tiết. Tương tự, môn khoa học tự nhiên vẫn có các mạch độc lập của vật lý, hóa học, sinh học nhưng sẽ có các chủ đề chung.

Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.

Hiện các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lí và chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này.

Những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học. Chương trình bồi dưỡng được tổ chức thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lí để theo học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn