MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những góc tối nhạy cảm về nghề DJ

Huyền Chi LDO | 26/04/2023 15:23
Để có được mức lương cao, nghề DJ phải đánh cược sức khỏe, tai tiếng và đối mặt với nhiều mặt trái của ngành công nghiệp night life (cuộc sống về đêm).

Mới đây, thông tin một DJ bị bắt quả tang tàng trữ trái phép ma túy trong một quán bar ở Hải Dương khiến khán giả xôn xao. 

Nhiều năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của dòng nhạc điện tử (EDM), DJ và những giai điệu remix trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội âm nhạc, đặc biệt là ngành night life (cuộc sống về đêm).

Tuy nhiên, DJ không phải một nghề dễ dàng và "việc nhẹ lương cao" như nhiều người đánh giá.

Những bản nhạc remix, giai điệu xập xình, sôi động đã trở thành thứ không thể thiếu trong các quán bar, vũ trường. Ảnh: Slate

Cạm bẫy phía sau bàn mix

DJ là tên viết tắt của Disc Jockey (những người chọn và chơi các bản thu âm trong buổi tiệc, quán bar, vũ trường...).

Tuy nhiên, trên thực tế, các DJ phải vật lộn với nhiều khó khăn và đối mặt vô số cám dỗ, tai tiếng.

Tờ Complex cho biết, ma túy, mất ngủ và kiệt sức chỉ là một trong nhiều mặt trái của nghề DJ. 

Mỗi ngày, khi các quán bar lên đèn, đón khách, công việc của một DJ cũng bắt đầu. Họ sẽ làm việc từ khoảng 8 giờ tối đến 1-2 giờ sáng, thậm chí muộn hơn. Đồng nghĩa với việc, các DJ sẽ tan làm và nghỉ ngơi vào lúc bắt đầu ngày mới.

Trong ngày, các DJ tiếp tục chuẩn bị các bản nhạc cho buổi đêm và lặp lại khối lượng công việc như một vòng quay. Sự thay đổi giờ giấc sinh hoạt, trái quy luật tự nhiên gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của các DJ.

Bên cạnh đó, việc đeo tai nghe, nghe âm thanh lớn liên tục dễ dẫn tới tình trạng căng thẳng kéo dài, suy nhược thần kinh.

Theo tờ Complex, DJ còn phải làm việc trong một không gian mà tất cả những người xung quanh đề đang say xỉn, hoặc vừa dùng chất kích thích.

Vì vậy, không ít DJ chọn cách uống rượu để không cảm thấy nôn nao và tách biệt khỏi đám đông. Khi được khách mời dùng thuốc lá, bia rượu thậm chí chất cấm như ma túy, nhiều DJ đã không thể từ chối cám dỗ và sa ngã.

Thành phần của thuốc lắc chủ yếu là anphetamine - một loại ma túy tổng hợp khi vào cơ thể sẽ gây tăng nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp và dục tính. Sử dụng lâu ngày có tác hại lên thần kinh làm mất trí nhớ, trầm cảm và chán ăn.

Do vậy, nhiều DJ thường xuyên sử dụng thuốc lắc, rượu bia đều có sức khỏe kém và sức đề kháng yếu.

Trong những căn phòng tối tăm, nhạc mở đinh tai nhức óc, con người luôn ở trạng thái hưng phấn, quá khích, đã có không ít DJ bị cuốn theo những cám dỗ để rồi đánh mất chính mình. Ảnh: Xinhua

Định kiến giới nặng nề

Theo Insider, khi nghề này mới rộ, người đánh nhạc chủ yếu là nam vì DJ thường làm trong môi trường nhiều cám dỗ, cường độ âm thanh lớn. Sau một thời gian, nữ DJ lại là sự lựa chọn hàng đầu bởi một cô gái xinh đẹp, nóng bỏng rõ ràng thu hút các vị khách hơn.

Thế nhưng, với những nữ DJ xinh đẹp, họ phải đối mặt với nhiều mối nguy hơn, từ quấy rối, bắt nạt và vô vàn những định kiến khắc nghiệt.

Nữ DJ Zeisha Fremaux từng chia sẻ về trải nghiệm tồi tệ khi đi làm: “Tôi bị cưỡng hôn bởi những người làm việc cùng. Họ trói tôi lại và bắt đầu trêu chọc”.

Cô nói, phân biệt giới tính, quấy rối, lạm dụng tình dục là câu chuyện có thật tại các quán bar, câu lạc bộ đêm trên khắp đất nước New Zealand mà cô đang làm việc.

"Điều đó khiến tôi cảm thấy mọi thứ mình đang làm đều không được tôn trọng. Tôi thường về nhà trong nước mắt khi nghĩ đến cách mọi người nhìn nhận về mình”, Zeisha chia sẻ với tờ NZ Herald.

Zeisha kể lại cô từng bị khách nam cố tình chạm vào cơ thể, bị cưỡng hôn, mời rượu, nghe những lời trêu chọc khiếm nhã, bị ép mặc những bộ đồ hở hang nếu muốn tăng lương.

Do đó, nhiều DJ đã hợp sức khởi động phong trào Not For You để chống lại nạn tấn công tình dục trong môi trường làm việc.

Tuy nhiên, họ gặp nhiều rào cản vì ánh nhìn kì thị của công chúng, sự chèn ép của các "bầu show" và cả sự thờ ơ của những vị khách lắc lư trong các quán bar mở muộn mỗi đêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn