MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cuộc thi hoa hậu hướng đến tìm kiếm những đại diện vừa có sắc đẹp, vừa có trí tuệ. Ảnh: Ban tổ chức

Phía sau những màn ứng xử sáo rỗng ở các cuộc thi hoa hậu

Huyền Chi LDO | 08/08/2023 09:01

Những câu hỏi ứng xử không có đáp án chính xác trở thành phần thi quan trọng quyết định thí sinh nào sẽ trở thành hoa hậu.

Thước đo cho trí tuệ

"Chỉ xinh đẹp là chưa đủ chiến thắng cuộc thi sắc đẹp" là tựa đề một bài viết được đăng tải trên India Times - tờ báo của đất nước được coi là "cường quốc hoa hậu" của Châu Á.

Hơn 100 năm kể từ khi cuộc thi hoa hậu đầu tiên được tổ chức, một khái niệm mới được các đấu trường nhan sắc hướng đến: "người đẹp có trí tuệ".

Các cuộc thi tìm kiếm thí sinh không chỉ có vẻ đẹp hình thể mà còn phải thông minh, nhanh nhạy và có cá tính mạnh mẽ.

Vì vậy, bên cạnh các vòng thi đánh giá hình thể, nhân trắc học, catwalk, thí sinh thi hoa hậu phải trải qua phần thi ứng xử, ít nhất 2 lần trước khi chạm tay đến vương miện.

Theo Insider, phần thi ứng xử được tạo ra với ý nghĩa cao đẹp. Đây là cơ hội để thí sinh nói về niềm đam mê, nỗ lực và cho thấy tư duy mới mẻ, khả năng đối đáp linh hoạt.

Nhiều cuộc thi trên thế giới và ở Việt Nam các thí sinh sẽ trải qua vòng phỏng vấn kín trước khi bước vào bán kết, và top 5 chung cuộc sẽ tiếp tục trả lời ứng xử.

Đã qua rồi cái thời câu hỏi ứng xử là "Bạn nghĩ vì sao bạn xứng đáng là hoa hậu", "Bạn sẽ làm gì nếu đăng quang". Giờ đây, câu hỏi ứng xử có thể bao hàm các yếu tố chính trị, văn hóa, giáo dục hay những vấn đề xã hội.

Dù vậy, tờ Bustle khẳng định, các câu hỏi hoặc là quá khó, hoặc là không thiết thực. "Ở một sự kiện đề cao cái đẹp, trí tuệ được "đong đếm" bằng 1 câu hỏi, nhưng không có câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác", tờ này chỉ ra nghịch lý của phần thi ứng xử.

Các cuộc thi hoa hậu được tổ chức liên tục phần nào khiến chất lượng thí sinh giảm sút. Ảnh: SV

Một câu trả lời là chưa đủ

Tại cuộc thi Hoa hậu Philippines 2001, người đẹp Jeanie Anderson được hỏi sẽ chọn nhan sắc hay trí tuệ. Đã 15 năm kể từ khi câu hỏi kì lạ này ra đời và gây tranh cãi vì đặt thí sinh vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Như tờ Ranker nhận định, câu chuyện càng mỉa mai hơn khi Anderson (và tất cả các thí sinh khác) phải mặc bikini trong khi trả lời câu hỏi này. Có thể nói, dù có chọn tài năng, vẻ đẹp hay cả hai, câu trả lời đều là khập khiễng.

Bộ câu hỏi ở hầu hết các cuộc thi nhan sắc đều yêu cầu các thí sinh phải hô khẩu hiệu về những điều hào nhoáng như "yêu hòa bình", "tích cực hoạt động cộng đồng", "giúp đỡ người nghèo, phụ nữ và trẻ em" và mới hơn là "yêu bản thân", "nỗ lực để tốt hơn bản thân của ngày hôm qua"...

Trong đó, sẽ có những câu trả lời an toàn, để tránh những màn "mua vui" cho người xem. Nếu không, những câu trả lời ngô nghê, non nớt có thể sẽ trở thành vết nhơ khó tẩy của chính thí sinh và ban tổ chức.

Đơn cử, thí sinh Sandra Lemonon (cuộc thi Hoa hậu Philippines) từng gây xôn xao khi nói "tôi không biết" khi được hỏi về một chương trình của chính phủ; thí sinh Nguyễn Thị Giáng Tiên (cuộc thi Hoa hậu Thể thao) nhận câu hỏi sẽ làm gì nếu gặp một người bị miệt thị ngoại hình và trả lời: "Đầu tiên em sẽ... mỉm cười".

Tiến sĩ Stephanie Raye nhận định, ban giám khảo thường không đánh giá thí sinh trả lời tốt hay không, mà xem xét cách họ trình bày, thể hiện bản thân và cân nhắc vấn đề trong thời gian ngắn.

"Nếu một cô gái trở thành hoa hậu, khán giả và giới truyền thông có thể hỏi cô ấy bất kì điều gì. Vì vậy, ban giám khảo cần đảm bảo rằng tân hoa hậu có thể quản lý bản thân thật tốt để không bị dư luận chỉ ứng, chê trách", ông Stephanie chia sẻ.

Trong trường hợp này, phần thi ứng xử trở thành bài thi cuối cùng trước khi hoa hậu đội vương miện và bắt đầu chuỗi ngày... ứng xử không hồi kết.

Thực tế cho thấy, không ít hoa hậu vì thiếu kiến thức xã hội, phát ngôn nhạy cảm đã trở thành tâm điểm bị chỉ trích, tấn công trên mạng xã hội.

Tờ Ranker khẳng định, chính những màn ứng xử sáo rỗng, hời hợt là lý do khiến các cuộc thi hoa hậu ngày càng mang tính giải trí cao.

Bởi lẽ, với một câu hỏi chung chung, “cưỡi hoa bắt bướm", câu trả lời cũng không thể tránh khỏi sự sáo rỗng, hình thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn