MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rap Việt đang nhận chỉ trích vì những sản phẩm có ngôn từ phản cảm. Ảnh: NSCC.

Rap Việt "chuyển mình" và cái giá của sự nổi tiếng

T.H LDO | 08/10/2021 20:28

Từ vụ việc nhạc rap gây phản cảm của Rhymastic, Chị Cả và nhóm Rap Nhà Làm, có thể thấy sự nổi tiếng đồng nghĩa các rapper cần thay đổi, tiết chế cái tôi cá nhân để rap Việt có cơ hội chuyển mình.

Cái giá của sự nổi tiếng

Rap Việt đã phát triển được 20 năm nhưng 2-3 năm gần đây mới bắt đầu len lỏi đến đại chúng nhờ thành công của các gameshow Rap Việt, King of Rap. Nhạc rap phổ biến hơn, xuất hiện nhiều trên các bảng xếp hạng âm nhạc, sản phẩm nhạc rap cũng được đầu tư chỉn chu hơn.

Nhưng kéo theo đó, sự vụt sáng quá nhanh cũng mang đến những bất cập, khó lường cho giới rapper. Những người theo đuổi nhạc rap cần giải bài toán cân bằng giữa cái tôi cá nhân và quy chuẩn văn hóa, đạo đức.

Vài ngày gần đây, nhạc rap “nóng” trở lại, song đáng tiếc, chuyện được đề cập không phải những bài rap hay mà lại là những sản phẩm bị coi là “rác”, gây tác động xấu đến xã hội.

Chị Cả, một gương mặt từng gây sốt trong King of Rap bất ngờ nhận bão chỉ trích vì một bài nhạc trong quá khứ. Hashtag #muach... bỗng trở thành gợi ý xu hướng nội dung nổi bật trên nền tảng Tiktok, đây là đoạn lời trong ca khúc “Cen...” của Chị Cả. 

 Chị Cả là thí sinh nổi bật của King of Rap. Ảnh: NSCC.

“Cen...” nhận “gạch đá” vì ca từ phản cảm, đặc biệt đoạn nhạc đang hot có nội dung tục tĩu. Tuy nhiên, đây không phải sản phẩm mới mà là bản rap cũ được Chị Cả sáng tác từ năm 2018, thời điểm anh chưa thực sự nổi tiếng. 

Khoảng thời gian Chị Cả còn đang thoải mái tung hoành trong nhạc rap với cái tôi cá nhân thì nhiều rapper như vậy. Những bài rap phản cảm giống “Cen...” trôi nổi trên thị trường mà ít người ngó ngàng, bởi vốn dĩ nhạc rap xuất phát từ underground, có đối tượng người nghe riêng. Nhưng khi rap dần trở thành “mảnh ghép” rõ ràng hơn trong xu hướng thị hiếu khán giả đại chúng, những rapper viết nhạc phản cảm như Chị Cả phải trả giá.

Rap Việt cần thay đổi

Ngoài Chị Cả, rapper Chí của nhóm Rap Nhà Làm cũng là nhân vật bị réo tên vì bài rap “T.C.M.C” phát hành hồi tháng 6.2021, có nội dung báng bổ Phật giáo, đáng lên án. Từ tựa đề ca khúc đến ngôn ngữ sử dụng trong bài nhạc khiến hình ảnh Đức Phật trở nên méo mó, sai lệch, theo hướng dung tục.

Rapper Low G - thành viên Rap Nhà Làm, cái tên khá có tiếng trong giới underground là người mixing cho ca khúc. Thời điểm 2 chương trình Rap Việt, King of Rap bùng nổ vào cuối năm 2020, nhiều người thắc mắc vì sao Low G không tham gia dự thi, anh trả lời: "Mình không chọn rap để trở thành một hình ảnh quá đại chúng, hiện tại mình chỉ muốn góp phần phát triển cộng đồng hip-hop tại Việt Nam nhiều hơn".

Nhưng giữa điều Low G muốn và sự phát triển khó lường của Rap Việt đang chệch nhịp. Dù không mong trở thành gương mặt đại chúng thì bản thân các rapper vẫn phải thay đổi để tồn tại, vì underground đang dẫn bão hòa. Ranh giới giữa underground và mainstream (các rapper tham gia showbiz và nổi tiếng) không còn quá khác biệt. Rapper không thể mãi lấy underground ra làm “cái cớ” bao che cho “cái tôi” cá nhân với lối tư duy lệch chuẩn.

Bình Gold - nam rapper nổi tiếng với những bài rap nội dung “người lớn” sau khi bị Đài truyền hình quốc gia điểm tên đã phải lên tiếng. Anh nhấn mạnh mình hoàn toàn chỉ muốn theo đuổi nghệ thuật, muốn làm Rap Việt giống như Rap Mỹ. Đồng thời, tự nhận xét có vẻ bấy lâu nay anh quá phóng khoáng trong suy nghĩ nên đã vượt qua những chuẩn mực thuần phong mỹ tục truyền thống của Việt Nam. Nam rapper nhận sai và cân nhắc lại hướng phát triển sự nghiệp.

Chị Cả và Chí cũng nhanh chóng lên tiếng xin lỗi khi những sản phẩm của mình nhận chỉ trích. Chị Cả cho biết đã xóa ca khúc “Cen...” và kết hợp với Tiktok đánh bản quyền các clip sử dụng đoạn nhạc này. Rapper Chí sau khi xóa bản rap gây tranh cãi thì đã trực tiếp đến nhận lỗi tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước đó, giám khảo Rap Việt Rhymastic khi bị VTV điểm tên trong chương trình “Đối Diện: Dọn rác trên không gian mạng” với 1 bài rap diss (rap chiến) đã lên tiếng thanh minh và hứa sẽ rút kinh nghiệm.

Khi nhạc rap còn quanh quẩn ở giới underground, các rapper có thể thỏa sức nhào nặn đứa con tinh thần theo ý mình nhưng khi rap Việt đang dần “chuyển mình” tiếp cận số đông, rapper buộc phải thay đổi.

Mỗi nền văn hóa đều có chuẩn mực riêng, không thể vin vào phong cách nhạc rap Âu - Mỹ để áp dụng cho thị trường nhạc Việt. Đen Vâu, Binz là những cái tên điểm hình cho việc rapper thay đổi và thích nghi.

Ngày 7.10, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xử lý những rapper phát hành sản phẩm có nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn