MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BTS. Ảnh: Big Hit

Tập đoàn HYBE của BTS trước sóng gió từng sánh ngang Samsung, Hyundai

Thùy Trang LDO | 24/04/2024 08:38

Danh tiếng toàn cầu của BTS là tiền đề để tập đoàn HYBE ra đời, trở thành thế lực có thể đối sánh với những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Hyundai.

Những ngày qua, mâu thuẫn nội bộ của tập đoàn HYBE bị phanh phui là chủ đề nóng được khán giả quan tâm.

Việc Min Hee Jin - người đứng đầu công ty con ADOR và tạo ra NewJeans - tìm cách tách khỏi HYBE khiến giá cổ phiếu của tập đoàn tuột dốc.

Dù vậy, truyền thông Hàn Quốc đánh giá kể cả khi HYBE mất đi ADOR hay thậm chí NewJeans, họ vẫn sẽ đứng vững.

Vì BTS sắp trở lại. Ít nhất đến cuối năm, Jin và J-Hope sẽ tái ngộ khán giả.

Trước đó, sự vắng bóng của BTS khiến HYBE phải đầu tư nhiều hơn cho các nhóm nhạc khác thuộc quản lý của tập đoàn. Chủ tịch HYBE Bang Si Hyuk thừa nhận, BTS nhập ngũ là yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng của cả nền công nghiệp Kpop chậm lại.

Chỉ riêng BTS đã đóng góp khoảng 3,6 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm và con số này vẫn tiếp tục tăng qua thời gian. Ngoài ra, họ còn đóng góp hơn 3 tỉ USD cho xuất khẩu tiêu dùng.

Trong ngành du lịch, BTS giúp thu hút khoảng 800.000 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc mỗi năm. Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc ước tính một buổi hòa nhạc của BTS có thể tạo ra giá trị lên đến 500 triệu USD cho kinh tế Hàn Quốc.

Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Hyundai, ước tính BTS đã tạo ra hiệu quả kinh tế trị giá 41,86 nghìn tỉ won (32,6 tỉ USD) trong thập kỷ qua.

Giá trị kinh tế mà BTS mang lại có thể sánh ngang với Samsung, Hyundai, SK và LG - 4 tập đoàn hàng đầu chiếm một nửa doanh số bán hàng của 71 tập đoàn kinh doanh lớn tại Hàn Quốc.

Khi HYBE thông báo BTS tạm ngừng hoạt động nhóm, cổ phiếu của tập đoàn đã giảm mạnh 28%, mức thấp nhất kể từ khi HYBE lên sàn chứng khoán.

Cú lao dốc đó cho thấy, BTS không chỉ là một biểu tượng văn hóa đại chúng mà còn là một "cổ đông" đầy quyền lực trong nền kinh tế Hàn Quốc, theo The New York Times.

BTS vượt ra khỏi lãnh thổ Kpop và mang lại nguồn lợi khổng lồ cho quốc gia. Ảnh: Big Hit

Từ một nhóm nhạc trở thành một thương hiệu lớn, BTS biến giấc mơ thống trị Kpop của Bang Si Hyuk thành sự thật.

Bang Si Hyuk lập nên HYBE (tiền thân là Big Hit), bắt đầu thương vụ càn quét, thu mua hàng loạt công ty giải trí vừa và nhỏ. Từ đó, BTS bỗng sở hữu hàng loạt "em trai", "em gái" cùng nhà.

Khi những màn hát live thảm họa của Le Sserafim hay ILLIT bị dư luận chê trách, BTS - đàn anh của họ - cũng bất đắc dĩ bị nhắc tên, bị đối sánh.

Tờ DongA cáo buộc HYBE lấy danh nghĩa "đàn em của BTS" để sản xuất hàng loạt nhóm nhạc tân binh nhưng không chú trọng sự phát triển lâu dài.

Những nhóm nhạc này hào nhoáng, âm nhạc dễ nghe và hợp thị hiếu, trong khi tài năng của nghệ sĩ hạn chế. Họ thậm chí mới chỉ thực tập vài tháng, không thể hát nhảy thuần thục.

Không ít lần, HYBE bị cho là đang hủy diệt Kpop bằng việc thâu tóm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh và công nghiệp hóa thần tượng.

Dù vậy, sự thật là HYBE luôn là BTS và phần còn lại. Nếu thiếu BTS, HYBE vẫn sẽ lao đao dù cho có sở hữu cả hệ thống công ty con và hàng loạt nhóm nhạc lớn nhỏ trực thuộc.

Năm 2021, giữa thời kì nền kinh tế toàn cầu đóng băng vì đại dịch COVID-19, BTS đã giúp doanh thu của HYBE tăng 58%.

Giờ đây, khi đang nhập ngũ, 7 chàng trai vẫn giúp công ty thu lợi nhuận khủng qua kênh YouTube 77 triệu lượt đăng ký, các sản phẩm được thu âm/ghi hình trước, thành tích nhạc số từ các tác phẩm đã phát hành...

BTS được coi là nhóm nhạc siêu lợi nhuận, làm nên những kì tích vô tiền khoáng hậu cho nền công nghiệp Kpop.

Sự trở lại đông đủ 7 thành viên vào năm 2025 được kì vọng có thể giúp HYBE đang hỗn loạn lấy lại cân bằng và gia tăng vị thế trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn