MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà sản xuất thi tài trong Sao Đại chiến. Ảnh: T.L

Thời lên ngôi của các nhà sản xuất âm nhạc

MINH THI LDO | 29/11/2017 06:45

Các đài truyền hình khai thác đủ loại cuộc thi ca hát nhưng người đứng sau hậu thuẫn ca sĩ lại bị bỏ quên và gần đây, cuộc thi tài của các nhà sản xuất âm nhạc (producer) mới được chú ý. Đây mới thực là cuộc đua quyết liệt của những người có khả năng thay đổi diện mạo của một môi trường âm nhạc.

Kỳ 1: Cuộc đua của các nhà sản xuất chinh phục thị hiếu khán giả

Đằng sau mỗi bản hit “triệu view” của ca sĩ, không thể thiếu bàn tay của các nhà sản xuất âm nhạc. Chính vì thế, có thể xem các nhà sản xuất là “cánh tay quyền lực” của các ca sĩ, và quan trọng hơn, họ có thể vươn ra hoạt động độc lập, tạo nên những sản phẩm “hot”, tạo nên xu hướng thưởng thức âm nhạc mới, đồng thời, “nhào nặn” ca sĩ thành những hình mẫu thành công nhất định theo suy nghĩ và khả năng của họ.

Nhiều sân chơi cho dàn producer “khủng”

Chỉ mới xuất hiện được hai số, song “Sao đại chiến” đã gây choáng váng với người nghe trước màn tranh cãi của các nhà sản xuất hot nhất hiện nay. Họ là Slim V, Đỗ Hiếu, Only C, Dương Cầm, Rhymastic, Phúc Bồ, Phạm Hải Âu, Nguyễn Dân… Họ kết hợp thành cặp đôi với các ca sĩ Trọng Hiếu, Ái Phương, Miu Lê, Hoàng Yến, Vũ Thảo My, MTV để tự thử thách chính mình, làm mới các bài hát theo nhiều thể loại.

Nhìn nhận chương trình, Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn chia sẻ: “8 ca sĩ, nhóm nhạc kết hợp 8 nhà sản xuất trong “Sao đại chiến” đủ sức phác họa nên bức tranh của thị trường nhạc Việt hiện tại. “Sao đại chiến” khác với nhiều sân chơi âm nhạc bởi đây là chương trình quy tụ những producer âm nhạc tên tuổi nhất thị trường nhạc Việt. Ngay bản thân mỗi nhà sản xuất âm nhạc cùng chiến binh của họ tại cuộc chơi này cũng mang những màu sắc khác nhau. Ranh giới nào để phân định âm nhạc thị trường hay âm nhạc thưởng thức, nhà sản xuất nào làm nhạc thị trường, nhà sản xuất nào làm nhạc thưởng thức… sẽ được khán giả nhìn thấy rõ hơn trong chương trình.

Đây cũng là nơi để công chúng thấy rõ hành trình ra đời một bản nhạc cũng như vai trò của một producer quan trọng như thế nào đằng sau sự thành công của một bản hit, một ca sĩ. Producer ở đây không chỉ hiểu về thực lực của ca sĩ mình để chọn bản phối phù hợp mà chính họ còn là người cân bằng giữa thị hiếu khán giả và yếu tố chuyên môn để cho ca sĩ mình phù hợp thị trường”.

Ngay trong 2 đêm đầu tiên, Sao đại chiến đã gây chú ý vì tính hấp dẫn, sự thay đổi liên tục của các bản phối...

Trước đó, cuộc đua của các nhà sản xuất cũng được tái hiện trong game show “Khởi đầu ước mơ” do HTV thực hiện cùng với sự đồng hành của ba nhà sản xuất Đỗ Hiếu, Hoàng Touliver, Khắc Hưng.

Và trước đây, chương trình Hòa âm ánh sáng - The Remix cũng từng “gây náo loạn” vì cuộc tranh tài của các ca sĩ, nhóm nhạc sĩ và DJ, cũng là “cuộc chiến ngầm” giữa các nhà sản xuất: Slim V, Long Halo, Nguyễn Duy Anh, Only C, Hoàng Touliver, Addy Trần, Phúc Bồ và Đỗ Hiếu.

Cân bằng thị hiếu khán giả

Cho dù bản phối mới lạ, có được khán giả chấp nhận hay không, thì sự xuất hiện của các nhà sản xuất trên sóng truyền hình cũng cho thấy tầm ảnh hưởng khá lớn của họ đối với các ca sĩ ngôi sao. Nếu như trước đây, ca sĩ tìm đến nhà sản xuất để đặt hàng bài hit, để mua độc quyền sản phẩm thì ngày nay, các nhà sản xuất có khả năng mời ca sĩ phát triển hình tượng và làm mới mình thông qua cách kiến tạo của họ trong âm nhạc.

Nếu như trước đây, nhạc sĩ chỉ việc bán bài cho ca sĩ là xong, phần hòa âm họ có thể không tự viết, thì nay ngược lại, những nhà kiến tạo ngôi sao buộc phải vừa tạo được bản hit, vừa tạo được xu hướng mới, vừa thay đổi thị hiếu cho khán giả, nên họ phải bao quát từ khâu sáng tác đến sản xuất âm nhạc.

Cuộc đua của các nhà sản xuất cho thấy thị trường cạnh tranh càng khốc liệt hơn, nhưng đòi hỏi các nhà sản xuất có tài và có tâm nhiều hơn. Ngoài tài năng, họ còn phải luôn cập nhật kiến thức, các xu hướng, khả năng nắm bắt nhạy bén… Có tâm, vì không ít trường hợp đi mua bản phối nước ngoài hoặc “mượn” bản phối của người khác mà quên đề tên người cộng tác. Khi cuộc đua được đưa ra ánh sáng, thì những gì hay được khán giả biết đến, những gì hạn chế cũng sẽ dễ bị nhìn ra - để họ hoàn thiện tác phẩm âm nhạc của mình tốt hơn.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc - Nguyễn Quang Long: “Vai trò không thể thiếu của nhà sản xuất âm nhạc đối với các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển”

Ở Việt Nam, vai trò nhà sản xuất âm nhạc gần đây mới được đại chúng biết đến, sau những gameshow trên truyền hình, hay một số thành công của các nhà sản xuất âm nhạc trong dòng nhạc đại chúng dành cho giới trẻ. Chẳng hạn như Khắc Hưng - Nguyễn Trần Trung Quân với cú híc đẩy Eric vào làng giải trí. Gần đây SlimV cũng tự đứng vai trò là nhà sản xuất âm nhạc cho chính mình và một vài nghệ sĩ khác... Trước đó, có rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc tạo được những thành công mang dấu ấn nhất định cho ca sĩ, ví dụ Dương Trường Giang ghi dấu ấn định hình phong cách cho Bùi Anh Tuấn với “Phố không mùa”; Nguyễn Hải Phong với những tác phẩm nhạc dance cho Thu Minh; Đức Trí góp phần định hình phong cách Hồ Ngọc Hà hay như cặp đôi ông bầu - ca sĩ Hoàng Tuấn - Đan Trường cũng đã có cho mình một chiến lược phát triển rất chuyên nghiệp ngay từ khi khởi đầu bước chân vào làng giải trí.

Điều đó để thấy rằng, dù chưa thực sự là một nghề phổ biến, nhưng nhà sản xuất âm nhạc đã tồn tại và góp phần tạo nên những giá trị nhất định đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đại chúng.

Nhà sản xuất âm nhạc ở Việt Nam có thể là một nhạc sĩ, cũng có thể là một ông bầu… Nhà sản xuất có thể là một nhạc sĩ sáng tác kiêm phối khí, cũng có thể không. Nhưng điều quan trọng nhất đối với nhà sản xuất âm nhạc là phải nhìn được xu hướng âm nhạc, khai thác được thế mạnh của ca sĩ, chọn được dòng nhạc, tác phẩm phù hợp với khả năng ca sĩ và đáp ứng nhu cầu của người nghe. M.K

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn