MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim “Phượng Khấu”. Ảnh: T.L

Thói quen khó bỏ, thiếu tôn trọng nghề

THU LAN LDO | 04/03/2020 12:15

Liên tiếp “ra đời” nhiều sản phẩm phim ảnh, âm nhạc được cho/bị phát hiện là đạo nhái, làng giải trí Việt thêm lần nữa khiến dư luận phiền lòng bởi sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng đối với nghề của không ít người được gọi/tự gọi là nghệ sĩ.

Cần một sản phẩm chỉn chu, mang nhiều chất xám

Mới nhất, dư luận chú ý những thông tin giới thiệu khá hoành tráng và có phần dày đặc về bộ phim “Phượng khấu” do Huỳnh Tuấn Anh làm đạo diễn. Tác phẩm hứa hẹn “gây bão” trên màn ảnh nhỏ khi ra mắt với cốt truyện về “thâm cung nội chiến” trong triều Nguyễn. Bộ phim không chỉ đầu tư cảnh quay, trang phục, sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi mà còn được quảng bá về những tình tiết gây cấn giữa cung tần phi nữ trong chốn hậu cung.

Tuy nhiên, “Phượng Khấu” mới chỉ ra mắt đoạn phim quảng cáo đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đáng chú ý khi phải đối mặt với những lời tố về việc đạo nhái bộ phim truyền hình đình đám của Trung Quốc - “Diên Hy Công Lược”. Một vài ý kiến bày tỏ sự thất vọng và chỉ ra rằng, ngoài đạo nhái từ bối cảnh và trang phục, “Phượng Khấu” còn bị cho là “đạo” cả âm nhạc lẫn cóp nhặt từng tình tiết nhỏ và hoàn toàn không có lấy một bản sắc văn hoá riêng.

Phản hồi, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ rằng, bản thân anh không có ý định tranh cãi bởi thấy các ý kiến đều vô căn cứ. Ngoài ra, đại diện của êkíp khẳng định thêm, phim có thể còn thiếu sót về nhiều mặt nhưng nếu áp đặt cho rằng, phim đạo nhái trang phục là sai hoàn toàn về mặt lịch sử cũng như tạo hình. Phía êkíp “Phượng Khấu” cho biết, trang phục của toàn bộ các diễn viên từ chính lẫn phụ đều bám sát chặt chẽ đúng với lễ phục cung đình xứ Huế cổ xưa.

“Phượng Khấu” không phải là sản phẩm gần đây nhất đối mặt với vấn đề đạo nhái, phim “Gái già lắm chiêu 3” dù doanh số thu về hơn 100 tỉ đồng, vẫn bị cho là rập khuôn theo tác phẩm “Con nhà siêu giàu Châu Á” của Mỹ. Đạo diễn trẻ Nam Cito, người thực hiện “Gái già lắm chiêu 3” cho rằng, anh luôn tôn trọng sự sáng tạo nguyên bản, hoàn toàn không giống bất cứ về sự đạo nhái nào đã từng nghi ngờ trước đó...

Ngoài phim ảnh, âm nhạc cũng là lĩnh vực được cho là đạo nhái nhiều, trường hợp gần nhất khi giám đốc sáng tạo MV cho ca sĩ là Denis Đặng đứng trước những điều tiếng được cho là đạo ý tưởng. Loạt ảnh đăng tải trên trang cá nhân của Denis Đặng bị một nhiếp ảnh gia người Nga chỉ trích với lời lẽ nặng nề “ăn cắp ý tưởng”. Denis Đặng vô tư đăng tải hình ảnh giống từng động tác đến cách sắp xếp bố cục mà không ghi rõ lấy ý tưởng từ đâu. Denis Đặng cũng không ít lần bị vướng vào lùm xùm đạo nhái, nhất là khi anh chịu trách nhiệm cho các sản phẩm âm nhạc đình đám của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân như “Canh Ba”, “Màu nước mắt” hay “Tự tâm…

Có hay không tự trọng của người làm nghệ thuật?

Có thể nói rằng, đạo nhái luôn là chuyện gây nhức nhối với khán giả quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật của Việt Nam. Mỗi một tác phẩm khi phát hành, ít nhiều đều nhận được sự chú ý từ công chúng, nhưng buồn thay, dù không phải tất cả, nhưng gần như là “mặc định”, sẽ có gì đó “na ná” so với sản phẩm nào đó của thị trường nước ngoài.

Trước nhiều dẫn chứng, có nghệ sĩ không chịu thừa nhận mình đã đạo, nhái, hoặc bẻ lái sang hướng là lấy ý tưởng để re-make (thực hiện lại) và trong nghệ thuật thì điều này là… hoàn toàn bình thường. Thậm chí, như giám đốc sáng tạo Dennis Đặng còn thừa nhận, bản thân không được theo học khóa đào tạo nghệ thuật, vì vậy thứ duy nhất mà anh có thể tự học hỏi là tìm hiểu từ những đoạn clip dạy chỉnh ảnh hay tham khảo một số tác phẩm siêu thực của nghệ sĩ nổi tiếng khác, vì thế, việc cố gắng pha trộn nhiều tác phẩm lại với nhau để tạo nên một sản phẩm mới, hài hòa hơn thì cũng nên coi đó là một thành quả lao động, thay vì gọi là đạo nhái...

Nhạc sĩ Khắc Hưng đã không ít lần đối diện với nhiều lời tố của việc đạo nhái, nhưng bản thân anh xác định rằng, đôi khi dư luận quá khắt khe cho một vài trường hợp vô tình trùng hợp, mà trùng hợp ở đây không có nghĩa là đạo nhạc. Nhạc sĩ trẻ này không cảm thấy phiền lòng nhiều bởi tin rằng, sau những cố gắng tìm tòi và cống hiến chắc chắn sẽ được công chúng ghi nhận, là bởi “cốt yếu chính ở cái tâm làm nghề của mỗi người”.

Khắc Hưng vừa gây chú ý với một sản phẩm âm nhạc có tên “Ghen cô Vy” nhằm cổ động chiến dịch phòng chống COVID-19. MV còn trở thành chủ đề được nam danh hài kiêm MC John Oliver đề cập đến trong chương trình Last Week Tonight trên kênh HBO (Mỹ). Nam nghệ sĩ Mỹ đã thích thú và liên tục khen ngợi về giai điệu, nhất là ca từ và hình ảnh mang nhiều tính thời sự COVID-19 đang được cả thế giới chú ý như hiện nay.

Từng bày tỏ quan điểm đối với một số ít nghệ sĩ không ngần ngại sử dụng “trí tuệ” của người khác, biến cái không phải của mình thành của mình, nhạc sĩ Đức Trí nhìn nhận rằng, nhiều trong số chúng ta vẫn còn phân vân về khái niệm học hỏi và bắt chước. Chỉ nói riêng về âm nhạc đã là một lĩnh vực khá trừu tượng, không có chuẩn mực nào để có thể dựa vào đó mà phán xét nên suy cho cùng vẫn là do đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Với làng giải trí Việt, điều khiến người làm nghề phát triển, có bước tiến dài, có lẽ chính là sự nhận thức tốt, lòng tự trọng với chính nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Không phải tất cả mọi sản phẩm làm ra đều theo hình thức “ăn xổi”, tất nhiên, cũng có những tác phẩm khiến fan hâm mộ tự hào bởi nhìn thấy được sự đầu tư nghiêm túc và mang cá tính riêng của mỗi nghệ sĩ, thể hiện niềm đam mê, khát vọng chinh phục khán giả bằng những sản phẩm “không giống ai”, hoàn toàn riêng biệt...

Bất thường, khi tới giờ, khán giả, người hâm mộ Việt Nam vẫn phải đau đáu với câu hỏi: Vậy biết đến bao giờ nghệ sĩ nước nhà mới có thể hoàn toàn tự tin với một sản phẩm chỉn chu, được đầu tư từ chính chất xám của mình, không bị mang tiếng là đạo, nhái?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn