MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Karina (aespa) và phiên bản ảo của chính mình. Ảnh: SM

Trí tuệ nhân tạo có thể phá hủy nền công nghiệp Kpop đang ở thời đỉnh cao

Huyền Chi LDO | 07/11/2023 12:29

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành công nghiệp Kpop mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Cuộc "chạy đua AI"

Tại Hàn Quốc, những "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp âm nhạc đang dồn toàn lực vào cuộc cách mạng công nghệ. Trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được áp dụng để mở rộng tiềm năng của Kpop.

Theo Bang Si-hyuk, chủ tịch HYBE, nhấn mạnh AI đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược sắp tới. Ông tự hỏi liệu con người có còn là thực thể duy nhất sản xuất âm nhạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của công chúng hay không.

Tập đoàn này đã nỗ lực kết hợp công nghệ AI vào âm nhạc để ra mắt dự án mang tên “Midnatt” vào tháng 5.2023. Nhờ công nghệ sửa giọng nói, đĩa đơn kỹ thuật số “Masquerade” đã có thêm 6 phiên bản với 6 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.

HYBE đã mua lại công ty công nghệ âm thanh Supertone với giá 45 tỉ won (36,5 triệu USD) để hiện thực hóa tham vọng này.

Một ông lớn khác trong ngành là SM Entertainment cũng đã rót hàng tỉ won để "chạy đua AI". Họ có kế hoạch ra mắt ca sĩ ảo tên Naevis vào năm 2024.

Trước đó, Naevis được giới thiệu là trợ lý ảo của nhóm nhạc nữ aespa. Cựu CEO của SM - Lee Sung-soo - tiết lộ họ sẽ làm việc hết công suất để khiến Naevis trông hoàn hảo trong chuyển động, giọng hát và giao tiếp.

Năm 2020, SM ra mắt aespa với.4 thành viên Karina, Winter, Giselle và Ningning cùng 4 phiên bản kỹ thuật số của chính họ.

Năm 2021, một buổi hòa nhạc của nhóm nữ ảo Eternity được tổ chức. Thay vì có ca sĩ biểu diễn trực tiếp, sân khấu được dàn dựng kết hợp với ánh sáng và màn hình LED, kết hợp giữa yếu tố thực và ảo.

aespa có 2 phiên bản người thật và AI (được gọi là ae-aespa). Ảnh: SM

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon nói với The Korea Times: "Thần tượng ảo sẽ tiếp tục phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, ca sĩ ảo vẫn bám theo hệ thống Kpop và biểu diễn các ca khúc do các nhạc sĩ Hàn viết. Nhưng nếu họ tiếp tục tận dụng công nghệ AI trong quá trình sáng tạo âm nhạc, họ có thể sẽ tạo ra một bước đột phá khác".

Và đó chính là sự lo ngại của các chuyên gia khi AI lấn sân lĩnh vực sáng tác âm nhạc.

Với kho dữ liệu lưu trữ khổng lồ, AI có thể tạo ra âm nhạc chỉ trong vài phút. Dù chưa thể sánh được với chất lượng của con người, nhưng tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ sẽ giúp AI viết lời, tạo giai điệu tốt hơn trong tương lai.

Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA), khẳng định AI có thể phá huỷ, gây hỗn loạn trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Một quan chức của KOMCA cho biết: “Rất nhiều người thích các bài hát do AI tạo ra vì họ có thể sử dụng miễn phí. Nếu các bài hát do AI tạo ra chiếm lĩnh nền âm nhạc, những người viết nhạc sẽ bị giảm thu nhập đáng kể. Vì hiện tại hệ thống pháp lý dành cho các sản phẩm của AI vẫn chưa có, ta có thể chứng kiến một cuộc xâm lấn của công nghệ vào lãnh thổ văn hóa".

KOMCA chia sẻ Hàn Quốc nên đưa ra các quy định và bộ luật chặt chẽ hơn về AI, có các hướng dẫn rõ ràng để giải quyết các vấn đề như vi phạm bản quyền và đạo văn.

Quan chức KOMCA chỉ ra khi AI có cơ sở dữ liệu âm nhạc lớn, nó có thể vi phạm bản quyền của các nhà soạn nhạc đã viết các bài hát gốc.

Ngoài ra, câu chuyện AI sáng tác nhạc sẽ phức tạp hơn nếu AI kết hợp với con người. Luật hiện hành chỉ công nhận sáng tạo của con người là tài liệu có bản quyền. Vì vậy, những tranh chấp sẽ xảy ra nếu con người hợp tác với AI - một chủ thể nhân tạo.

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon nói: “Chúng tôi cần thêm luật liên quan đến bản quyền của các bài hát do AI sản xuất. Bây giờ là lúc đưa vấn đề này ra bàn thảo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn