MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim Mỹ “Hành khách bí ẩn” đang chiếu tại TTCPQG.

Trung tâm chiếu phim quốc gia: Mạnh mẽ trong “Thập diện mai phục”

VIỆT VĂN LDO | 22/01/2018 10:33

Là hệ thống rạp chiếu phim duy nhất của Nhà nước đủ sức hoạt động, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân, Trung tâm chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội) bước vào năm 2018 sau khi vừa kỷ niệm 20 năm thành lập, với nhiều cơ hội và thách thức mới.

Một năm với “ba vạn buổi chiếu”

Trong kế hoạch hoạt động năm 2018, Trung tâm chiếu phim quốc gia (TTCPQG) sẽ tiếp tục triển khai dự án trưng bày điện ảnh, dự án đầu tư chuyển đổi công năng khu văn phòng điện ảnh và cải tạo các phòng chiếu thành 8 phòng chiếu chất lượng cao. Đáng chú ý, Trung tâm sẽ mở rộng thêm cơ sở TTCPQG tại Thừa Thiên - Huế và TPHCM.

Năm 2017, Trung tâm đã hoạt động hiệu quả với khoảng 30.000 buổi chiếu/năm, số lượng khán giả đạt trên 2,3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 105,5%, doanh thu chiếu phim 106,9% so với cùng kỳ, nộp ngân sách trên 11 tỉ đồng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TTCPQG là chiếu phim phục vụ chính trị đối ngoại và đối nội. Trung tâm đã tổ chức tốt LHP Châu Âu, tuần phim quốc tế của Israel, Nhật bản, Đức, Tây Ban Nha và Châu Mỹ Latinh, tuần phim APEC… theo cách trang trọng và chuyên nghiệp, được Đại sứ quán các nước đánh giá cao. Tổ chức các đợt chiếu phim mừng Đảng, mừng xuân, mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, tham gia tích cực vào các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và LHP quốc tế Hà Nội một cách hiệu quả và ấn tượng. Bên cạnh đó, trung tâm còn có các hoạt động công ích có hiệu quả khác như chiếu phim miễn phí phục vụ thương binh, cán bộ hưu trí, trẻ em nghèo…

Công tác điều tra xã hội học cũng được TTCPQG tiến hành bài bản hằng năm, thăm dò ý kiến khán giả ở cả 3 miền để cung cấp thông tin đa chiều, phản hồi từ khán giả đến các nhà quản lý, sản xuất và phát hành phim, các nghệ sĩ điện ảnh…

Mục tiêu chiếu phim phục vụ khán giả được đặt lên hàng đầu, trung tâm đã nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có 13 phòng chiếu với các định dạng 2D, 3D và 4D với máy chiếu kỹ thuật số, âm thanh lập thể 7.1, bán vé qua máy và online.

Thách thức lớn

Hiện, trong tổng số 146 hệ thống rạp và cụm rạp trên toàn quốc, các doanh nghiệp nước ngoài như CGV, Lotte và Platinum chiếm tới 88 cụm rạp (tỉ lệ 60,3%), các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như Galaxy, BHD, Beta… chiếm 41 cụm rạp (28,1%) trong khi các doanh nghiệp nhà nước chỉ có 17 cụm rạp (11,6%) và 20 rạp.

Ở nhiều tỉnh, các rạp phim Nhà nước thường hoạt động cầm chừng, hoặc với trang thiết bị cũ kỹ, không được nâng cấp, cải tạo đã nhập vào trung tâm văn hóa của tỉnh và chỉ còn giữ lại một phòng chiếu. Đó là thực trạng như là nghịch lý, trong khi đáng ra ít nhất phải có 3-5 phòng chiếu phim ở mỗi tỉnh, thành phố.

TTCPQG là cụm rạp hùng hậu nhất của hệ thống Nhà nước nhưng lại không thể chủ động đàm phán với các chủ phát hành phim về tỉ lệ ăn chia mà phải chấp nhận tỉ lệ do họ đưa ra, để có phim phát hành.

Theo ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc TTCPQG: Một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh không bình đẳng, tự ý hạ giá vé ở một số cụm rạp đơn lẻ (chứ không phải toàn bộ các cụm rạp) ở một số thời điểm trong ngày, dẫn đến Trung tâm cũng phải tự hạ giá vé để có khách xem, ảnh hưởng đến nguồn thu của Trung tâm.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân tiếp tục đầu tư, xây mới các cụm rạp trong thời gian tới, sức ép và thách thức đối với TTCPQG là không hề nhỏ, theo dự báo chỉ mấy năm nữa, số cụm rạp họ thâu tóm có thể lên tới 80%.

Trong bối cảnh bị “Thập diện mai phục” (đáng chú ý là phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân), TTCPQG đã, đang rất cố gắng để vận động, rất cần một cơ chế đặc thù và nhìn xa hơn, một chính sách ưu đãi về thuế đối với phim Việt cũng như nhiều chính sách khác cởi mở hơn để nguy cơ phim Việt “thua trắng trên sân nhà” sẽ không thành hiện thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn