MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
K-dystopia đang được khán giả toàn thế giới quan tâm. Ảnh: Netflix.

Từ Squid Game, Ngôi trường xác sống: K-dystopia đang quyến rũ toàn thế giới

THU HƯƠNG LDO | 16/02/2022 16:32

Tờ Sports Kyunghyang nhận định, từ thành công của “Train to Busan”, “Squid Game”, “Ngôi trường xác sống”... K-dystopia (dòng phim phản địa đàng do Hàn Quốc sản xuất) đang “quyến rũ” toàn thế giới bởi những yếu tố mới lạ, mang tính bản địa và đậm chất tâm lý xã hội Hàn Quốc.

K-dystopia đang chiếm lĩnh thế giới

Theo Sports Kyunghyang, bắt đầu với "Train to Busan", các tác phẩm kinh dị, giật gân, thảm họa như "Kingdom", "Sweet Home", "Squid Game", "Hellbound" và "Ngôi trường xác sống" đã thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu và được gọi như một dòng phim đậm chất Hàn Quốc - “K-dystopia” (phim phản địa đàng của Hàn Quốc).

Phim phản địa đàng (dystopia) vẽ ra xã hội, thế giới tương lai phát triển theo hướng tiêu cực, lạnh lẽo hoặc đáng sợ. Đặc trưng thể loại này là miêu tả sự phi nhân tính, bất bình đẳng, thiên tai, thảm họa và các yếu tố liên quan đến sự suy đồi, tệ nạn xã hội.

Các tác phẩm phản địa đàng bắt đầu ở phim ảnh Châu Âu và nở rộ ở Châu Mỹ. Từ “1984”, “Gattaca”, “Children of men”... đến series truyền hình Mỹ “The Walking Dead” là một ví dụ điển hình và nó đã thiết lập một tiêu chuẩn cho dòng phim này, khi tạo thành “cơn sốt” ở thời điểm ra mắt (từ 2010 đến nay).

 K-dystopia chinh phục khán giả toàn cầu bởi những yếu tố bản địa. Ảnh: Netflix.

Lý giải về nguyên nhân K-dystopia gần đây thu hút sự quan tâm của khán giả toàn cầu, Sports Kyunghyang cho rằng, trước hết, mọi người trên toàn thế giới đang đồng cảm với cách nhìn nhận hiện thực của người Hàn Quốc. 

Sports Kyunghyang nhận xét, phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ đơn giản là vượt qua thảm họa mà còn cài cắm những yếu tố hiện thực đen tối, tâm lý xã hội mang nhiều tầng ý nghĩa, xuyên suốt quá trình phát triển, nhưng không phá vỡ dòng chảy của phim.

Cùng làm thể loại zombie nhưng "Kingdom” tạo nên bức tranh tương phản rõ rệt giữa những nhân cách con người ở triều đại Joseon. “Squid Game" và “Ngôi trường xác sống” lại miêu tả hoàn cảnh khi con người bị chèn ép trong một xã hội cạnh tranh và sự phân cực giàu, nghèo. Thậm chí, trong “Squid Game” yếu tố “dystopia” bị lu mờ bởi chất “drama” đặc trưng của phim truyền hình xứ kim chi. 

 "Squid Game" đang đậm yếu tố tâm lý xã hội - đặc trưng của phim ảnh Hàn Quốc. Ảnh: Netflix.

Là phông nền của thảm họa nhưng sự phi lý của xã hội Hàn Quốc được phản ánh đã trở thành một trục của các bộ phim và dẫn dắt nó. Yếu tố này không thường thấy trong thể loại “dystopia” của phương Tây. 

“K-dystopian thu hút sự đồng cảm từ mọi người trên thế giới bằng cách giải quyết những điều phi lý có thể thấy không chỉ trong xã hội Hàn Quốc, mà còn trong xã hội mà họ đang sống, một cách thuyết phục hơn”, Sports Kyunghyang nhận định.  

Hình dạng của thảm họa đã “tiến hóa”

Sports Kyunghyang chỉ ra, sự tiên tiến của hình dạng thảm họa trong K-dystopian cũng tạo nên khác biệt. Những “thiên thần” báo tử trong “Hellbound” được tạo hình theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây. Bộ ba sứ giả đến từ địa ngục tìm những người được chỉ định phải chết và tiến hành buổi “thao diễn” rợn người bằng tra tấn, thậm chí thiêu sống giữa thanh thiên bạch nhật.

“Hellbound” xoáy sâu vào những góc khuất đen tối nhất của thế giới “dystopian”, nơi thiết chế xã hội hỗn loạn, đạo đức con người tha hóa cùng cực khi đứng trước cái chết. Và còn táo bạo hơn khi khai thác thảm họa thông qua thể loại cực kỳ nhạy cảm là phim cuồng giáo. Trong đó, nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc khiến người xem ngộp thở bởi hệ thống bối cảnh, nhân vật, hóa trang hoành tráng, tinh vi.

 “Hellbound” gây sốc vì yếu tố cuồng giáo cực đoan. Ảnh: Netflix.

Hay “Train to Busan” là tác phẩm định danh cho dòng phim zombie (thây ma) Hàn Quốc. Không giống như zombie trên màn ảnh phương Tây chủ yếu tập trung vào hóa trang ghê rợn, zombie của phim ảnh Hàn tập trung vào chuyển động.

Những zombie trong “Train to Busan”, “Kingdom” hay “Ngôi trường xác sống” có thể trạng tốt và di chuyển chóng mặt trong những tư thế kỳ lạ mà con người không thể tưởng tượng nổi, càng làm tăng thêm sự sợ hãi, kinh hoàng.

“Ngôi trường xác sống” (All Of Us Are Dead) còn sáng tạo ra một loại zombie mới được gọi là “bán zombie” thông qua nhân vật Nam Ra và Gwi Nam - nhân vật phản diện xuất sắc nhất tác phẩm này. Họ mang trong mình kháng thể virus, biến thành xác sống nhưng vẫn có ý thức của con người, đồng thời có những đặc tính của zombie. 

 "Ngôi trường xác sống" đã sáng tạo ra hình thức zombie mới. Ảnh: Netflix.

Tờ Sports Kyunghyang bình luận: “K-dystopia do Hàn Quốc sản xuất đã tự khẳng định mình như một tiêu chuẩn mới ngoài các thể loại phương Tây đã làm. Nó không chỉ dừng lại ở việc thể hiện quá trình vượt qua thảm họa của các nhân vật, mà còn nêu lên những vấn đề mà xã hội Hàn Quốc hay thế giới phải đối mặt. 

Đồng thời, K-dystopia tạo ra một dòng chảy lớn khi các yếu tố cũ được biến đổi, sáng tạo mang đến sự khác biệt khiến khán giả đắm chìm vào câu chuyện”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn