MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rosé, Jennie (Blackpink) ở Liên hoan phim Cannes 2023. Ảnh: Yonhap

Vai trò của Rosé, Jennie (Blackpink) và những mỹ nhân ở LHP Cannes

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 28/05/2023 07:00

Sự xuất hiện của Rosé, Jennie (Blackpink) tại Liên hoan phim Cannes 2023 gây bão truyền thông, mạng xã hội. Tất nhiên, những thương hiệu đồng hành cùng họ - Saint Laurent và Chanel - cũng được hưởng lợi.

Sau 76 lần tổ chức, Liên hoan phim (LHP) Cannes từ một sự kiện công chiếu, vinh danh tác phẩm điện ảnh và người làm phim đơn thuần, đã phát triển thành một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố, từ sự xa hoa, ồn ào của thảm đỏ, đến những sự kiện bên lề, tiệc tùng xa xỉ…

Đặc biệt, nhiều năm nay, Cannes trở thành “sân chơi" của các hãng thời trang, trang sức cao cấp nhằm gia tăng giá trị truyền thông cho thương hiệu.

Lý do thương hiệu xa xỉ chọn LHP Cannes

Những “ông lớn" trong ngành thời trang ngày càng đầu tư vào Cannes bởi tiềm năng mà liên hoan phim này mang lại. 

Theo thống kê của Launchmetrics, Liên hoan phim Cannes 2022 tạo ra 724,4 triệu USD giá trị tác động truyền thông (MIV), nhiều hơn Lễ trao giải Oscar - 658,6 triệu USD và Liên hoan phim Venice - 154,1 triệu USD.

Năm 2021, ngay khi siêu mẫu Bella Hadid bước lên thảm đỏ trong chiếc váy đen khoét ngực sâu cùng vòng cổ hình lá phổi của Schiaparelli, tần suất tìm kiếm trên Google liên quan đến Liên hoan phim Cannes cũng như đối với hãng thời trang Ý đã tăng hơn 1.900% so với 3 tuần trước sự kiện.

 Bella Hadid ở LHP Cannes 2021. Ảnh: Yonhap

Không phải ngẫu nhiên mà Chopard - đối tác chính của Liên hoan phim Cannes hơn 20 năm nay - giới thiệu bộ sưu tập trang sức xa xỉ, cũng như bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên của hãng đúng vào dịp Cannes 2023.

Bởi French Riviera - nơi Liên hoan phim Cannes diễn ra hàng năm - là khu nghỉ dưỡng dành riêng cho giới quý tộc, thượng lưu. Họ chính là khách hàng mục tiêu của các thương hiệu trang sức cao cấp.

Tuy nhiên, thời trang chỉ đạt được sự chú ý tối đa khi ngôi sao chưng diện nó cũng có nhan sắc, tầm ảnh hưởng. Đó là lý do ngày càng có nhiều trai xinh, gái đẹp là siêu mẫu, ca sĩ, hotgirl mạng… những người không liên quan đến điện ảnh vẫn có mặt tại Cannes.

Vai trò của những mỹ nhân như Rosé, Jennie ở Cannes

Các thương hiệu xa xỉ gia tăng sự hiện diện bằng cách đầu tư trang phục, phụ kiện cho những đại sứ, mỹ nhân, ngôi sao có tên tuổi trên thảm đỏ.

Thang Duy đeo trang sức xa xỉ của Chopard. Ảnh: Yonhap

Nhiều người mẫu như Naomi Campbell, Gigi Hadid, Karlie Kloss, Irina Shayk, Alessandra Ambrosio tham dự để quảng cáo cho sản phẩm của nhãn hàng. Thậm chí, những diễn viên đình đám như Uma Thurman, Emmanuelle Beárt, Thang Duy đã tham dự liên hoan phim với tư cách khách mời của thương hiệu.

Đặc biệt, châu Á đang là thị trường tiềm năng được các hãng cao cấp hướng đến. Trong khi ngôi sao Trung Quốc dần mất vị thế ở Cannes, nhiều thương hiệu đã lựa chọn đồng hành cùng ngôi sao Hàn Quốc, khi tầm ảnh hưởng của idol Kpop, diễn viên Hàn ngày càng lớn.

Năm nay, nữ thần tượng Rosé (Blackpink) lần đầu tới thảm đỏ Cannes với vai trò đại sứ toàn cầu của Saint Laurent (YSL). Trong khi, aespa là nhóm nhạc Kpop đầu tiên tham dự Liên hoan phim Cannes khi đảm nhận vị trí đại sứ toàn cầu thương hiệu trang sức Chopard.

 Idol/nhóm nhạc Kpop Rosé (Blackpink), aespa. Ảnh: Yonhap

Nhiều diễn viên Hàn Quốc như Jeon Yeo Been, Song Joong Ki, Krystal, Lim Soo Jung diện váy áo, trang sức của các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Ralph Lauren, Dolce & Gabbana, Cartier, Chopard.

Jennie (Blackpink) dù sải bước trên thảm đỏ liên hoan phim cùng đoàn phim “The Idol" nhưng trang phục, phụ kiện cô diện từ đầu đến chân đều của Chanel - thương hiệu Jennie làm đại sứ.

Trước đó, ở các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới (Paris, Milan…), Rosé và Jennie luôn là những ngôi sao mang lại giá trị truyền thông lớn nhất cho thương hiệu. Và đến liên hoan phim Cannes 2023, hai thần tượng hàng đầu Kpop tiếp tục cho thấy tầm ảnh hưởng đáng nể.

Theo Twitter Fashion, bên cạnh hashtag chính thức của Cannes, #JENNIEatCANNES (900 nghìn lượt) và #RoséatCANNES (545 nghìn lượt) là 2 hashtag được đề cập nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter, khiến Chanel và YSL là những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất.

 Jennie Blackpink. Ảnh: Yonhap

Thời trang ở Cannes không nên bị xem thường

Nhiều ý kiến cho rằng, Liên hoan phim Cannes đã “biến tướng” quá đà với những thứ hỗn độn, xa rời điện ảnh. Điển hình là việc có hàng loạt mỹ nhân không phải diễn viên bước lên thảm đỏ Cannes chỉ để phô diễn thời trang, hoặc làm trò lố thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, tờ Indian Express cho rằng, thời trang ở Cannes không nên bị coi thường. Cannes là liên hoan phim lớn nhất thế giới nhưng bản thân nó luôn chứa đựng nghịch lý. Những bộ phim đoạt Cành Cọ Vàng không dễ xem và thường bị cho là xa rời công chúng. 

Trái lại, thảm đỏ Cannes - nơi bị coi là hổ lốn nhất - lại là yếu tố quan trọng giúp Liên hoan phim Cannes trở thành một trong những “biểu tượng" của nước Pháp. 

Nhiều người thừa nhận, thời trang ở Cannes dễ tiếp cận hơn so với phim ảnh. Vì vậy, Cannes cần phải cân bằng giữa yếu tố chuyên môn điện ảnh và giải trí. Nếu không có thảm đỏ, không có những người đẹp xúng xính váy áo, trang sức xa xỉ thì Cannes sẽ trở thành một liên hoan phim già cỗi.

  Dàn siêu mẫu ở LHP Cannes năm nay. Ảnh: Vogue

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn