MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn học, nghệ thuật gắn bó với những vấn đề lớn lao của đất nước

Hải Minh LDO | 15/12/2021 13:16
Hà Nội - Sáng 15.12, hội thảo khoa học toàn quốc "Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay" đã chính thức được khai mạc.

Hội thảo có sự tham gia của 180 đại biểu với 97 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước; đại diện cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành…

Hội thảo hướng tới làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Từ thực tiễn của từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, từng địa phương, đánh giá thực trạng về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ với 5 vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước:

Phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hội thảo khoa học toàn quốc "Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay". Ảnh: Hải Minh

Tại buổi khai mạc, PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, tham luận gửi tới hội thảo về chủ đề biên giới, bảo vệ biên giới hải đảo gồm 20 bài; Chủ đề xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật chiếm ưu thế 40 bài; Chủ đề giao lưu quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra nước ngoài 15 bài;  Chủ đề đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng phản bác các luận điệu sai trái 5 bài.

Điều này cho thấy sự quan tâm khá đồng đều và có trọng điểm của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ về các nội dung. Đằng sau nội dung của hơn 90 bài tham luận cho thấy sự gắn bó của văn học nghệ thuật với những vấn đề lớn lao, bức xúc, nóng bỏng của đời sống xã hội, chính trị và văn hóa của đất nước.

Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, một số tham luận đi sâu vào vấn đề như xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật cho thời kỳ mới, vấn đề tổ chức sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật, vấn đề cơ chế chính sách để nền văn học nghệ thuật của chúng ta phát triển lành mạnh theo quy luật bình thường của nó.

Có nhiều tham luận ngắn gọn, súc tích nhưng nêu được vấn đề và đặt được câu hỏi đáng quan tâm đó là hiện tượng những người tốt, những nhân vật tích cực gần như vắng bóng hoặc bị lôi ra khỏi trung tâm của văn học hiện nay thay vì là những kiểu nhân vật phản diện suy thoái về tư tưởng đạo đức…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn