MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đang gây sốt ở Hàn Quốc. Ảnh: ENA.

Vì sao phim về luật sư mắc chứng “tự kỷ thiên tài” đang gây sốt kinh ngạc?

Thu Hương LDO | 17/07/2022 07:26

Từng có nhiều tác phẩm phim ảnh nói về người tự kỷ, nhưng phim của Park Eun Bin đã tạo nên “hội chứng Woo Young Woo” đáng kinh ngạc, bởi cách khai thác gần gũi, chân thật về thế giới quan của người tự kỷ, cũng như những rào cản xã hội đeo bám suốt cuộc đời họ.

“Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đang tạo nên “cơn sốt” ở Hàn Quốc; được nhiều ngôi sao như Kim Hye Soo, RM (BTS), Doyoung (NTC) yêu thích; rating tăng vọt lên 9,6% chỉ sau 6 tập phát sóng.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định, “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đã tạo nên một “hội chứng” mang tên Woo Young Woo, khiến công chúng quan tâm hơn đến chứng bệnh tự kỷ và thêm thấu hiểu về cách người tự kỷ nhìn nhận, giao tiếp với xã hội.

Không chỉ là “thiên tài tự kỷ” đơn thuần

Năm 2021, bộ phim truyền hình “The Good Doctor” (Bác sĩ thiên tài) của Mỹ, được làm lại từ bản gốc Hàn Quốc lên sóng năm 2013, đã tạo tiếng vang lớn, trở thành một trong những phim có lượt xem cao nhất lịch sử đài ABC.

Phim kể về Shaun Murphy, một bác sĩ tự kỷ nhưng có “hội chứng thiên tài” với trí nhớ hình ảnh tuyệt vời. Bằng trí thông minh và sự nỗ lực, Murphy đã vượt qua định kiến để được đồng nghiệp và xã hội công nhận.

Tuy nhiên, “The Good Doctor” cũng gây ra không ít tranh cãi về tính đại diện đối với cộng đồng người tự kỷ. Nhiều ý kiến cho rằng, những phim như “The Good Doctor”, “Rain Man” củng cố ý tưởng sai lầm rằng tất cả người tự kỷ đều có trí nhớ phi thường và người tự kỷ phải là thiên tài thì mới được xã hội chấp nhận.

Nếu nhìn nhận ở khía cạnh này, “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” thoạt đầu có vẻ cũng đi vào lối mòn khi xây dựng nhân vật nữ chính là một “thiên tài tự kỷ” tương tự.

 Woo Young Woo là một luật sư tự kỷ thiên tài.

Woo Young Woo (Park Eun Bin thủ vai) được phát hiện mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ từ lúc 5 tuổi. Cô có EQ thấp và năng lực xã hội kém, nhưng lại sở hữu IQ 164 với khả năng ghi nhớ siêu đỉnh. 

Từ nhỏ, Young Woo đã nhớ hết nội dung của những cuốn sách về luật, thậm chí trở thành thủ khoa trường luật Đại học Seoul và là luật sư tự kỷ đầu tiên ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” vẫn tạo nên sự khác biệt.

Bộ phim không quá sa đà vào khía cạnh “thiên tài” của nữ chính tự kỷ, mà xây dựng một cách tỉ mỉ, gần gũi tính cách, sự giao tiếp của người tự kỷ với người thân, cộng đồng; cũng như đưa ra cái nhìn khách quan về căn bệnh này.

Phim giải thích lý do có thêm chữ “phổ” trong chứng rối loạn phổ tự kỷ, là bởi tự kỷ có vô số dạng khác nhau. Không phải tất cả người tử kỷ đều là thiên tài ẩn giấu, vẫn có những đứa trẻ tự kỷ đáng thương như Kim Jeong Hun, mãi mãi sống trong tuổi tinh thần bậc tiểu học.

 Woo Young Woo khác với hình tượng người tự kỷ ở một số phim khác.

Trong phim "Nhân chứng hoàn hảo", Jung Woo Sung từng tuyên bố "người tự kỷ không thể nói dối”. Đây cũng là quan niệm phổ biến ở nhiều bộ phim khác.

Ngay cả Woo Young Woo cũng nói, “Người tự kỷ vốn hay bị lừa và không thể nói dối. Nếu có cuộc thi xem ai dễ bị lừa nhất thì người tự kỷ sẽ giành vị trí dẫn đầu”.

Tuy nhiên, trong một kiện, Woo Young Woo đã dối trá, phớt lờ sự thật, bằng cách khuyến khích những lời nói dối để tăng độ tin cậy cho lời khai của nhân chứng. 

Điều này đúng với thực tế rằng, người tự kỷ vẫn có thể nói dối. Temple Grandin, một nhà động vật học 75 tuổi mắc chứng tự kỷ và là giáo sư tại Đại học Bang Colorado, đã thú nhận những lời nói dối của mình trong cuốn tự truyện “A Tale of an Autistic Person”.

 Diễn xuất của Park Eun Bin được đánh giá cao.

Xóa bỏ định kiến về người tự kỷ

Nói về căn bệnh tự kỷ trên phông nền luật pháp, nhưng “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” lại có cốt truyện nhẹ nhàng, tươi sáng như cổ tích giữa đời thường.

Biên kịch Yoo In Shik vẽ nên nhân vật luật sư thiên tài mắc chứng tự kỷ Woo Young Woo, không “đao to búa lớn” mà tập trung vào các tiểu tiết, giúp hình ảnh người tự kỷ được miêu tả một cách chân thực, gần gũi nhất.

Nữ chính với câu giới thiệu tên tuổi cửa miệng: “Tôi là Woo Young Woo, đọc xuôi đọc ngược vẫn là Woo Young Woo, con cún con, con gà con, chôm chôm, cào cào, chuồn chuồn, Woo Young Woo". 

Cô gái có niềm đam mê nghiên cứu pháp luật và các loài cá voi, nhưng mang những triệu chứng “khác người” như hay nhại lại lời người khác, đếm đủ 5 giây mới dám bước qua cửa, sợ đụng chạm cơ thể, chỉ ăn cơm cuộn rong biển vì có thể nhìn thấu thành phần thực phẩm…

Những hành động rất nhỏ được miêu tả tỉ mỉ giúp khán giả hiểu rõ hơn về thế giới quan của một người tự kỷ. 

Biên kịch cũng nhấn mạnh vào định kiến xã hội đối với người tự kỷ. Thấu hiểu một người tự kỷ đã khó nhưng để xã hội nhìn nhận người tự kỷ như những người bình thường, không phải “khuyết tật”, còn khó hơn.

 Bộ phim khiến xã hội nhìn nhận lại định kiến đối với người tự kỷ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn