MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức Hội giảng phát biểu. Ảnh: Lương Hạnh.

100 nhà giáo tham gia Ban giám khảo Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2021

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/11/2021 14:23
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2021 có rất nhiều điểm mới so với những Hội giảng trước đó. 

Hội giảng sẽ được tổ chức vào ngày 12.11 (Buổi sáng bắt đầu từ 7h30-11h30); từ ngày 13 đến ngày 16.11.2021 (Buổi sáng bắt đầu từ 7h30-11h30; buổi chiều bắt đầu từ 13h30-17h30). Hội giảng có sự tham gia của 404 nhà giáo trình giảng tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương và 06 Bộ, ngành.

Ban tổ chức Hội giảng tập trung ở một địa điểm tại Hà Nội (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội), thực hiện điều hành, giám sát thông qua cổng thông tin Hội giảng.

Nhà giáo thực hiện bài trình giảng tại địa điểm trình giảng do các địa phương chuẩn bị và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Thứ tự trình giảng được bốc thăm ngẫu nhiên qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng.

Ông Trần Minh Thịnh - Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Hội giảng cho biết Hội giảng năm nay sẽ có rất nhiều điểm mới. 

Lần đầu tiên Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến với mục tiêu duy trì hoạt động chuyên môn và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Các đoàn của Bộ, ngành tham gia Hội giảng gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công thương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam.

Ban tổ chức ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm thứ tự bài trình giảng. Điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 5 phút.

Công tác giám khảo được đặc biệt chú trọng để đảm bảo “Khách quan - Công bằng - Chính xác” trong đánh giá bài trình giảng.

Đặc biệt, số giám khảo đề cử lớn hơn 50% số giám khảo cần có. Tên của giám khảo hiển thị trên kênh thông tin của mỗi tiểu ban và trong Phiếu đánh giá bài trình giảng sẽ được mã hóa thành ký hiệu.

Bên cạnh đó, Hội giảng tổ chức bốc thăm giám khảo cho từng tiểu ban. Hoạt động trình giảng và chấm trình giảng được giám sát bởi tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, đảm bảo “Khách quan - Công bằng - Chính xác” của Hội giảng.

Các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được livestream trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức Hội giảng cho biết: "Đây là lần đầu tiên sau 8 kỳ tổ chức Hội giảng chúng tôi tổ chức Hội giảng vào tháng 11. Điều này là điểm nhấn để Hội giảng được xác định là một hoạt động thường xuyên, liên tục gắn với chất lượng đào tạo và đặc biệt là tôn vinh các nhà giáo".

"Trong bối cảnh đặc biệt do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chúng tôi đặt ra yêu cầu mới khác với những lần tổ chức Hội giảng trước đó. Tuy nhiên, mục tiêu của Hội giảng vẫn là tôn vinh các nhà giáo và là dịp để các nhà giáo có cơ hội rèn luyện kĩ năng, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Không vì dừng đến trường mà dừng các hoạt động dạy học. Năm 2021, chúng tôi xác định những thông điệp trực tiếp từ Hội giảng, đó là: Đổi mới - sáng tạo - thích ứng - hội nhập", bà Hương nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn