MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

20.11 của những người gieo mầm xanh Hy Vọng

Bích Hà - Thiều Trang LDO | 20/11/2022 09:38

Không hội trường sang trọng, không sân khấu lộng lẫy, không ghế ngồi êm ái nhưng dịp 20.11 tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng (Trường Hy Vọng, TP Đà Nẵng) lại tràn ngập tiếng cười, trái tim yêu thương gửi tặng những người đang ngày đêm lặng lẽ gieo "mầm xanh Hy Vọng" cho đời.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầu tiên

Giản dị, gần gũi và chân thành là "chất riêng" của Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Hy vọng. Các em học sinh tự tay làm những tấm thiệp nhỏ xinh, viết những dòng thư tay, gửi lời cảm ơn đến thầy cô nhân ngày 20.11 đầu tiên tại nhà mới.

Năm học 2022-2023 đánh dấu năm học đầu tiên của học sinh Trường Hy Vọng. Đây là ngôi trường nuôi dưỡng các em nhỏ đã mất đi người thân do dịch COVID-19.

Học sinh đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước, khi đến với mái nhà Hy Vọng, các em được chia sẻ, yêu thương và nâng bước trưởng thành. Người đồng hành với các em trên chặng đường đó chính là những giáo viên nội trú. 

Thầy cô là những người rất đặc biệt, vừa dạy vừa dỗ, ngày đêm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho hơn 200 trẻ mồ côi vì COVID-19. Họ đến từ nhiều miền quê, tình nguyện viết đơn làm giáo viên nội trú tại đây, từ lạ thành quen và nay được những đứa trẻ coi như người thân ruột thịt. 

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 theo “chất” riêng của Trường Hy Vọng. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, cô Lữ Thị Thùy Linh (Nghệ An) đã xin được vào dạy một trường mầm non ở quê nhà theo đúng nguyện vọng - là trở thành một cô nuôi dạy trẻ.

Nhưng khi đọc những mẩu tin tức về dự án Trường Hy Vọng, thương các em nhỏ không may mất đi người thân vì dịch bệnh, cô Linh đã quyết định từ bỏ công việc ở quê để viết đơn tình nguyện xin vào làm giáo viên nội trú trong trường Hy Vọng.

Đây cũng là lần đầu, Linh xa quê hương. Đối với cô, Hy Vọng đã là ngôi nhà thứ hai và những đứa trẻ nơi đây trở thành người thân của mình rồi.

"Lần đầu tiên các cháu không quen mình, chưa hiểu và chưa thân thuộc. Nhưng mình cứ mở trái tim ra với nhau. Cô yêu các bạn và dần dần cô trò gần gũi nhau" -  cô Linh nói.

Buổi sáng, cô Linh cùng các thầy cô quản nhiệm khu nội trú dậy sớm, 5h30 đánh kẻng đánh thức các học sinh. Các em tập hợp dưới sân để tập thể dục bằng việc khởi động và chạy 2 đến 5 vòng quanh khu mình sống, ra vườn tưới rau, lên phòng tắm rửa, ăn sáng. 6h20', các trung đội lại tập hợp để thầy cô điểm danh trước khi đi học.

Tranh thủ lúc học sinh đến trường, thầy cô đi kiểm tra từng phòng, dọn dẹp, tắt điện nếu các em quên.

16h30', học sinh đi học về, thầy cô theo dõi, quán xuyến các nhóm làm vườn, chơi thể thao, trò chơi dân gian, học võ hay đọc sách.

Buổi tối là lúc các thầy cô bận rộn nhất khi vừa làm gia sư, vừa giữ nền nếp cho khu nội trú. Mỗi tầng đều bố trí phòng để các thầy cô có ca trực ngủ lại. Thầy ngủ ở khu nam, cô ngủ ở khu nữ.

Mỗi tuần, thầy cô sẽ được nghỉ một ngày. Dù công việc vất vả hơn so với dạy mầm non, nhưng cô Linh cảm giác mình dần trưởng thành hơn khi chăm lo cho những đứa trẻ chịu mất mát quá lớn sau đại dịch COVID-19.

Thầy cô xúc động vì tình cảm học sinh dành cho mình Nhân ngày 20.11. Ảnh: NTCC

Học sinh và giáo viên Trường Hy Vọng trong hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Năm nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầu tiên của Trường Hy Vọng thật ý nghĩa khiến cô Linh cũng như tất cả thầy cô đều cảm động.

Các bạn học sinh đã cùng nhau viết những bức thư tay, làm những bông hoa xinh xắn, xây dựng một loạt chương trình và câu chuyện đầy bất ngờ dành tặng thầy cô và các cô chú Quỹ Hy vọng đang chăm sóc, yêu thương các em.

Gieo những "mầm xanh Hy Vọng"

"Đây thực sự là ngôi trường của yêu thương, chia sẻ" - lời bộc bạch của thầy Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc dự án Trường Hy Vọng.

Chậm rãi kể về thời gian trước, thầy Quyền xúc động: "Ý nghĩa của ngôi trường đặc biệt, ý nghĩa của việc cam kết mạnh mẽ nhận nuôi dưỡng và đào tạo các em nhỏ không may mất mẹ cha do COVID-19 đã lay động trái tim tôi".

Với thầy Quyền, Trường Hy Vọng là sự cam kết mạnh mẽ của tình yêu thương, niềm tin, sự tin yêu tuyệt đối.

Các em học sinh nhổ tóc sâu cho thầy giáo. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thầy bộc bạch, học sinh của trường đến từ 41 tỉnh thành, 6 thành phần dân tộc khác nhau. Bạn nào cũng có những câu chuyện, hành trình nào cũng đáng nhớ vì tất cả đều là những đứa trẻ vừa trải qua đau thương mất mát.

Mỗi bạn một tính cách, xuất phát từ gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Mỗi bạn trải qua những nỗi đau khác nhau. Vì vậy, để giúp các em hoà nhập thì chỉ có chân tình, yêu thương từ chính thầy cô. Tất cả đều nỗ lực giúp các em có niềm tin vào nơi các em sống và học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn