MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tự học tập tại nhà thông qua mạng. Ảnh: LX

3 giải pháp ngành giáo dục ứng phó việc học sinh nghỉ dài ngày vì COVID-19

Đặng Chung LDO | 25/03/2020 14:01

Tinh giản chương trình; triển khai dạy học đại trà qua truyền hình, Internet; công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 là 3 giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Công bố nội dung giảm tải trong tháng 3

Ngày 25.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giáo dục, đào tạo. Tính đến nay, học sinh, sinh viên đã nghỉ học gần 8 tuần. Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên khả năng đến hết tháng 3.2020, vẫn chưa thể cho học sinh trở lại trường.

Để kịp thời ứng phó với việc học sinh phải nghỉ học dài ngày, Bộ GDĐT đã tích cực triển khai đồng bộ 3 giải pháp để hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

 Bộ GDĐT tổ chức hội nghị tìm giải pháp ứng phó với dịch COVID-19. Ảnh: Thế Đại

Đầu tiên là rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường.

Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia. Các nội dung tinh giản sẽ được Bộ công bố trong tháng 3.2020.

Tiếp theo, Bộ GDĐT cũng xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình. Trong chiều nay, hoặc sáng 26.3, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đào tạo từ xa và công nhận kết quả học tập bằng phương thức mới này.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Điều này tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ 8-11.8.2020.

Cách nào công nhận kết quả học qua truyền hình, Internet? 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng thừa nhận rằng, trong thời gian có dịch, tâm lý học sinh chưa thực sự ổn định. Hơn nữa việc công nhận kết quả dạy học qua truyền hình sẽ có khó khăn, vì khó đảm bảo công bằng cho toàn bộ học sinh trên cả nước. Có nơi học sinh có đủ điều kiện để học qua truyền hình, Internet, nhưng cũng có nơi cơ sở vật chất chưa cho phép.

Về giải pháp để khắc phục điều này, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Bộ sẽ yêu cầu sau khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục sẽ phải dành 1-2 tuần ôn tập bù đắp kiến thức cho học sinh trong thời gian học qua truyền hình, học online.

Sau khi thực hiện ôn tập, các trường mới được tiến hành kiểm tra định kỳ (kiểm tra 1 tiết) và kiểm tra cuối kỳ với học sinh.

Tại hội nghị, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và thảo luận là việc làm thế nào để giám sát quá trình học tập của học sinh khi tiến hành dạy học đại trà qua truyền hình, Internet.

Là địa phương sớm triển khai việc dạy học qua truyền hình và bước đầu có kết quả, theo ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, vai trò của hiệu trưởng, giáo viên trong việc định hướng cho học sinh, phụ huynh khi thực hiện dạy học qua truyền hình, Internet là rất quan trọng. 

Thời gian qua, Sở đã sát sao, đề nghị các trường phải yêu cầu giáo viên có hình thức thông báo lịch học đến từng học sinh, phụ huynh. Trước giờ phát sóng mỗi môn học đều phải nhắn tin, thông báo để học sinh nắm được, tránh việc “sóng cứ phát mà không biết học sinh có theo dõi hay không”.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ đóng vai trò kết nối thường xuyên với học sinh, thông qua việc giao bài tập để đánh giá hiệu quả của việc học qua truyền hình.

Ông Dũng cho rằng, việc chuyển đổi sang phương thức dạy học mới, bước đầu có thể còn khó khăn, nhưng thông qua đó cũng mở ra cơ hội mới để ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn vào việc dạy học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn