MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tránh những lầm tưởng dưới đây để có một hành trình du học suôn sẻ hơn. Ảnh: AFP

3 lầm tưởng "làm khó" du học sinh trong hành trình du học

Bảo Trân LDO | 20/03/2022 10:17

Giai đoạn chuẩn bị hành trang đi du học sẽ khiến các bạn du học sinh và gia đình bối rối không tránh được việc mắc sai lầm. Đừng quên tham khảo những lầm tưởng dưới đây để hành trình du học được suôn sẻ hơn. 

Hỏi không đúng người

Các bạn sắp đi du học lần đầu tiên trong đời chắc chắn sẽ cực kỳ lo lắng và có nhiều băn khoăn, các bạn muốn có nhiều nguồn ý kiến nhất có thể. Thế nhưng bạn cần thận trọng quan sát xem bạn cần hỏi ai. Tất cả các du học sinh, cựu du học sinh đều có con đường của riêng họ. Vì thế bạn cần tìm hiểu xem bản thân họ thế nào trước rồi hãy hỏi.

Việc bạn không tìm hiểu kỹ đối tượng trước khi hỏi sẽ gây ra hai hậu quả. Thứ nhất là bạn mất thời gian đi hỏi mà lại không nhận được câu trả lời. Thứ hai, kể cả có nhận được câu trả lời thì cũng không thể chính xác và thỏa mãn được bạn.

Xin visa khó hay dễ?

Nhiều bạn nghĩ xin visa nước này khó nhưng nước kia lại dễ. Đã thuộc về thủ tục, giấy tờ thì không có gì dễ hay khó cả. Quy trình, thành phần hồ sơ đã được quy định chính xác, đầy đủ thì cứ dựa vào đó để chuẩn bị.

Bạn chỉ cần truy cập trang web chính phủ của quốc gia bạn dự định du học và đọc thông tin ở phần visa dành cho du học sinh để xem quốc gia đó yêu cầu những giấy tờ gì và để nộp được hồ sơ thì bạn cần tiến hành các bước đăng ký như thế nào. Hãy nhớ rằng, xin visa thì không có chuyện khó hay dễ, chỉ có hồ sơ của bạn có đủ rõ ràng, minh bạch hay không.

Những quy định trong việc xin visa thay đổi thường xuyên nên bạn phải tự mình cập nhật những quy định hiện hành thay vì cứ chờ đợi sự hướng dẫn của người đi trước. Nếu người ta áp dụng luật cũ mà bạn cứ nhất nhất nghe theo thì tự bạn đang làm hỏng việc của mình.

Sang nước ngoài học ngoại ngữ là đủ trình độ nhập học

Đây là lầm tưởng đến từ các bạn chưa đáp ứng được nhu cầu ngôn ngữ để nhập học bậc chính thức nhưng lại tặc lưỡi nghĩ đi nước ngoài học khóa học tiếng bổ trợ là sẽ đủ trình độ nhập học. Đây không phải là một ý tưởng tồi nếu gia đình bạn đủ khả năng kinh tế để chi trả học phí và sinh hoạt phí thời gian bạn học tiếng.

Nhưng với các bạn mà chi phí du học vẫn là điều mà gia đình phải tính toán, cân nhắc thì điều gì khiến bạn nghĩ học ngoại ngữ ở nước ngoài tốt hơn học ở Việt Nam? Tất nhiên việc tiếp xúc với người bản địa giúp khả năng nghe nói của bạn tốt hơn. Tuy nhiên, lật lại vấn đề, bạn chưa đủ trình độ ngoại ngữ để nhập học không phải là vì ở Việt Nam toàn người Việt. Trình độ ngoại ngữ của bạn thay đổi khi cách học của bạn thay đổi chứ không phải khi môi trường thay đổi. Nếu ở Việt Nam bạn đã lười xem, nghe, đọc; bạn đã rụt rè khi giao tiếp thì điều gì khiến bạn nghĩ môi trường nước ngoài sẽ giúp bạn chăm chỉ hơn hay mạnh dạn hơn?

Nếu ngôn ngữ chưa đủ mà bạn cứ cố đi nước ngoài thì sẽ càng tạo thêm cho bạn áp lực vì trong bối cảnh giao tiếp bình thường, bạn không nghe hiểu được, không diễn tả được ý của mình thì sẽ khiến bạn càng mệt mỏi và rụt rè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn