MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà chỉ có 1 chiếc điện thoại, mấy đứa con chị chị Võ Thu Hà thay nhau dùng để học online. Ảnh: MQ

4 đứa trẻ chung nhau chiếc điện thoại để học online

Huyên Nguyễn LDO | 12/09/2021 19:25

Năm nay, 4 đứa con của chị Võ Thu Hà (ngụ Thạnh Xuân, quận 12) đều bắt đầu học online, nhưng gia đình chị chỉ có duy nhất 1 cái điện thoại. Do đó, 4 đứa nhỏ sẽ thay nhau học trực tuyến trên 1 cái điện thoại. Nếu trùng lịch thì đứa này nhường đứa kia.

Có một chiếc điện thoại xài chung

Vốn làm nghề bán vé số để nuôi 6 miệng ăn nhưng nay do giãn cách lâu ngày, chị Võ Thu Hà (ngụ Thạnh Xuân, quận 12) là người mẹ đơn thân nuôi 5 người con gần như cạn kiệt. Suốt mấy tháng qua, chị không có nguồn thu nhập nào cả, trong khi lại một mình nuôi 5 đứa con. Đứa con lớn nhất vừa học bổ túc vừa đi làm bánh để phụ chị tiền nhà, còn lại 4 đứa nhỏ đều đang học các lớp 10, 7, 3 và đứa út năm nay vào lớp 1.

Trong căn phòng chật hẹp ở quận 12, mấy đứa bé chỉ biết quanh quẩn chơi với nhau hay kê thùng mì tôm làm bàn để ngồi học bài.

Không có bàn, con chị Hà kê thùng mì tôm để tập viết. Ảnh: MQ

Chị Hà cho biết năm nay nhà chị có tới 4 con cùng bước vào năm học mới. Chị không biết dùng điện thoại nên việc học online, các con cũng tự liên hệ là chính. Được hỏi có wifi để học không, người mẹ của 5 đứa nhỏ cũng gãi đầu, gãi tay, ra hỏi với đứa con lớn nhất wifi là gì, có để học không.

Từ trước tới nay, các con chị vẫn theo học ở các trường gần nhà nhưng riêng năm nay việc học của con trở nên khó khăn hơn nhiều khi tất cả đều sẽ học trực tuyến trong khi cả gia đình chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại có thể kết nối mạng và phải sử dụng 3G nên rất hạn chế dùng.

“Có một cái điện thoại. Mấy anh em nó xài chung nên cũng không học hết online được, đứa có học, đứa không. Một buổi cả mấy đứa trùng lịch thì đành phải chia nhau ra”, chị Hà chia sẻ.

Lo ăn từng bữa thì với chị Hà lấy đâu ra tiền mua máy tính hay điện thoại để học online, chị cũng không có đủ kỹ năng để hướng dẫn con học. Nhà có một cái tivi được người ta cho, nhưng cũng bị hư mấy tháng nay. Hiện tại đang giãn cách xã hội, cũng không đi sửa được để cho con học qua truyền hình.

Chiếc tivi được cho cũng hỏng nên không thể học online. Ảnh: MQ

Chị Hà kể thêm, hoàn cảnh khó khăn, sách vở cho mấy đứa nhỏ đi học cũng chưa mua được, chỉ xin lại sách cũ cho đứa lớp 7, và lớp 3 nhưng vẫn thiếu một số quyển, riêng lớp 1 thì chưa có sách.

Theo chị Hà, việc học trực tuyến sẽ không đảm bảo được vì chị không có điều kiện mua sắm thiết bị học tập, chính vì vậy chị chỉ mong chóng hết dịch để cho các con đến trường, mẹ đi kiếm sống.

Bé Võ Xuân Sa (con gái chị Hà, sắp vào lớp 3) vì gia đình không có điều kiện mua sắm điện thoại hay dụng cụ học tập nên cảm thấy rất buồn. Sa cho biết bé chỉ mong mau hết dịch để đi học, được đến trường, để mẹ được đi bán vé số nuôi mấy anh em.

Lo người kèm con học

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Luân (phường Tân Kiểng, Quận 7) - công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận cũng mấy tháng nay gặp khó khăn khi không có công việc ổn định. Chị Luân kể, con gái lớn thì gửi về quê cho ông ngoại chăm, cậu con bé năm nay lớp 4 cũng lần đầu bập bẹ làm quen với việc học online.

Chị Luân cho biết: “Cháu mới bắt đầu tập làm quen với học trực tuyến qua Zoom được 2 buổi, tới ngày 20 mới bắt đầu học chính thức. Dù cô giáo hướng dẫn rất kỹ, thời gian học không nhiều nhưng 2 mẹ con cũng chật vật”.

Tuy nhiên, điều lo lắng với chị Luân hiện nay là sắp tới, nếu Quận 7 được nới lỏng giãn cách bố mẹ đi làm thì ai sẽ trông và dạy con học, cũng không có thiết bị học vì điện thoại của bố mẹ đều phải mang theo để đáp ứng công việc.

“3 tháng nay hầu như không đi làm, cả mùa dịch chỉ được 5kg gạo. Tháng trước công ty trả lương hoãn hợp đồng lao động được 2,5 triệu/tháng. Đến tháng này quá hạn trả lương 2 ngày rồi mà chưa thấy công ty chuyển khoản”, chị Luân chia sẻ.

TPHCM là một trong những địa phương tập trung đông người lao động từ các địa phương khác đổ về, vì thế có những nơi đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Trong năm học mới khi áp dụng phương thức trực tuyến, nhiều gia đình khó có thể đáp ứng điều kiện học tập. Trường hợp của chị Võ Thu Hà, chị Nguyễn Thị Luân không phải là đơn lẻ. Trên các hội nhóm phụ huynh ở TPHCM, nhiều người cho biết không có đủ điều kiện mua sắm thiết bị, kết nối mạng để cho con bước vào năm học mới với hình thức trực tuyến.

Với những gia đình còn gặp khó khăn thì với họ, mong muốn được hỗ trợ thiết bị, mạng để con được học online là điều vô cùng lớn lao.

“Tôi có nghe báo đài nói về chương trình "Sóng và máy tính cho em". Hy vọng những hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ để các em học sinh nếu có vì dịch thì cũng không bị thất học”, chị Luân bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn