MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin về tình hình tuyển sinh ngành sư phạm. ẢNh: Đ.C

40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, vẫn có hàng nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm

Đặng Chung LDO | 30/04/2018 10:45
Đây là thông tin được TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đưa ra trong cuộc họp báo thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển Đại học - Cao đẳng 2018, diễn ra sáng 27.4 tại Hà Nội.

40.000 cử nhân sư phạm chưa có việc làm

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2018 có một số điểm mới. Ngoài việc giảm điểm ưu tiên khu vực xuống còn 50%, các trường (trừ các trường sư phạm) được tự xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào thì những điểm mới tập trung nhiều vào nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Năm nay, tất cả các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đều tuyển sinh như hệ ĐH. Bộ GDĐT sẽ xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm. Việc này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, năm nay Bộ GDĐT cũng yêu cầu việc đào tạo giáo viên phải gắn với nhu cầu sử dụng. Việc xác định chỉ tiêu được Bộ tính toán rất kỹ, có căn cứ khoa học.

Đầu tiên, Bộ GDĐT tiến hành khảo sát về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó Bộ xác định, năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành khoảng 59.000 giáo viên. 

Ngoài ra, chỉ tiêu ngành sư phạm còn được xác định dựa trên số liệu điều tra, khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm của các trường đào tạo sư phạm. Qua điêu tra, hiện còn khoảng hơn 40.000 cử nhân sư phạm chưa có việc làm. Trong số đó có khoảng 50% (20.000) vẫn đang chờ cơ hội để vào ngành sư phạm, còn lại có thể đã chuyển ngành nghề khác.

Dựa trên các tính toán này, Bộ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm năm 2018 nằm trong khoảng 35.000-36.000 chỉ tiêu.

Nhiều học sinh giỏi vẫn muốn vào sư phạm

Tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ vẫn diễn ra, con số cử nhân sư phạm thất nghiệp vẫn tăng, trong khi đời sống giáo viên còn khó khăn, Bộ GDĐT lại chủ trương nâng đầu vào các trường sư phạm, đã có nhiều băn khoăn rằng sẽ không nhiều người giỏi muốn vào sư phạm. Việc tuyển sinh ngành sư phạm đã khó khăn sẽ càng khó khăn.

Nghề giáo đối diện với nhiều áp lực. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn)

Về điều này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng thừa nhận số lượng hồ sơ đăng ký vào trường sư phạm năm nay có giảm, tuy nhiên không quá lo ngại.

Cụ thể, thực tế số nguyện vọng sư phạm đã giảm 29% và số nguyện vọng 1 giảm 27% so với năm 2017, tuy nhiên vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu (38%).

Năm nay vẫn có 43.069 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường sư phạm (năm 2017 là 58.942).

Nếu xét ở tiêu chí tỉ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu, thì tỉ lệ này của các ngành đào tạo tạo giáo viên, trình độ đại học vẫn ở vị trí trung bình trong các khối ngành (thứ 4/7 khối ngành).

Bà Phụng cũng khẳng định: "Nguồn tuyển của các trường sư phạm năm nay không quá thấp và chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo. Đặc biệt, mặc dù có sự nâng cao chất lượng, giảm chỉ tiêu, số thí sinh đăng ký vào sư phạm cũng không quá giảm. Những thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào trường sư phạm năm nay thật sự là những em rất yêu nghề và có mong muốn trở thành giáo viên. Chúng tôi trân trọng điều đó".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn