MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lộ diện 5 ngành học có tỉ lệ chọi cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội bằng xét tuyển sớm. Ảnh: HUST

5 ngành học "siêu hot" tại Đại học Bách khoa Hà Nội có gì đặc biệt?

Trang Hà LDO | 29/05/2024 17:59

Dưới đây là 5 ngành học siêu “hot” nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển tài năng tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo chia sẻ của PGS.TS Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất năm nay là Trường Công nghệ Thông tin & Truyền thông và Trường Điện - Điện tử, chiếm gần 55% tổng số hồ sơ xét tuyển tài năng diện 1.3 (Xét tuyển thẳng theo hồ sơ năng lực kết hợp với phỏng vấn).

Trong đó, có 5 ngành siêu “hot” nhận được nhiều hồ sơ đăng ký năm nay gồm: IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kỹ thuật máy tính), EE2 (Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa), ET1 (Kỹ thuật Điện tử Viễn thông) và MS2 (Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano). Tỉ lệ thí sinh đăng kí vào 5 ngành này bằng phương thức xét tuyển tài năng dao động từ 300 - 500%.

Khoa học máy tính

Thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là ngành đào tạo truyền thống và có triển vọng nghề nghiệp mở rộng nhất trong số các ngành đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin tại cơ sở giáo dục đại học này.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức cốt lõi ngành, có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu để phân tích thiết kế, xây dựng và phát triển các giải pháp phần mềm, cũng như các hệ thống thông tin thông minh.

Sinh viên theo ngành đào tạo có thể trở thành chuyên gia phát triển phần mềm, chuyên gia phát triển các hệ thống thông tin, chuyên gia thiết kế và phát triển giải pháp công nghệ thông tin.

Kỹ thuật máy tính

Người học được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, kỹ thuật điện tử, giải thuật, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, kết hợp với kiến thức chuyên ngành về hệ thống máy tính, truyền thông dữ liệu, hệ thống nhúng, IoT, và an toàn an ninh thông tin.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có kỹ năng phát triển toàn diện một giải pháp hoàn chỉnh cả phần cứng và phần mềm, đặc biệt chú trọng đến khả năng tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm trong một hệ thống.

Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa

Đây là ngành học nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy (xi măng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm…); Thiết kế, điều khiển và chế tạo robot; quản lý sản phẩm tại các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về các thiết bị điện tử tự động…

Các vị trí việc làm tiêu biểu: Kỹ sư thiết kế, vận hành, phát triển sản phẩm tại các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực điện - tự động hóa; Kỹ sư vận hành tại các nhà máy điện; Khởi nghiệp, tự thành lập các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện - tự động hóa; Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu…

Kỹ thuật Điện tử Viễn thông

Chương trình giảng dạy được thiết kế bao gồm khối kiến thức toán học và khoa học cơ bản, khối kiến thức cơ sở cốt lõi ngành điện tử - viễn thông, khối kiến thức bổ trợ kiến thức xã hội và kỹ năng mềm và khối kiến thức tự chọn chuyên sâu theo các định hướng kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật thông tin truyền thông, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật điện tử hàng không vũ trụ, kỹ thuật đa phương tiện, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano.

Tốt nghiệp sinh viên có khả năng làm việc tại các vị trí việc làm tiêu biểu sau: Kỹ sư thiết kế các giải pháp khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo; Kỹ sư thiết kế, kiểm tra, phân tích phần cứng máy tính trong thiết bị điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp, hàng không, giao thông, thiết bị y tế, quân sự, thiết bị viễn thông; Kỹ sư thiết kế mạch điện tử cho các thiết bị điện tử dân dụng, quân sự, công nghiệp, y tế; Kỹ sư thiết kế vi mạch; Kỹ sư lập trình, gỡ lỗi phần mềm cho thiết bị phần cứng, thiết bị viễn thông...

Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano

Sinh viên được trang bị kiến thức cơ sở chuyên môn rộng và vững chắc để đáp ứng cho công nghiệp bán dẫn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ thích ứng tốt với những công việc liên quan đến quy trình chế tạo trong sản xuất các thiết bị vi điện tử, vi mạch tích hợp, các hệ nhúng và lập trình nhúng, các hệ điều khiển tự động, cảm biến, Internet vạn vật (IoT), kiến thức và kỹ năng về xử lý siêu sạch, công nghệ màng mỏng, công nghệ bán dẫn, đóng gói và kiểm chuẩn linh kiện điện tử.

Các vị trí làm việc: Kỹ sư thiết kế chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn, Kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D), Kỹ sư quản lý sản xuất (PE), Kỹ sư quản lý chất lượng (QA), Kỹ sư vận hành sản xuất chip và các linh kiện, thiết bị điện tử - bán dẫn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn