MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk vẫn thấp thỏm lo mất việc. Ảnh: Dân Trí

500 giáo viên mất việc: Kiến nghị giao ngành giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên

Đặng Chung LDO | 15/03/2018 19:00
Từ câu chuyện buồn đang xảy ra ở Đắk Lắk, có ý kiến cho rằng đã đến lúc nên đưa việc tuyển dụng viên chức giáo dục ở cấp huyện về một mối, cần trao quyền chủ động về mặt nhân sự cho ngành giáo dục.

Lãnh đạo ký bừa, không thể bắt giáo viên phải chịu

Đây là quan điểm của GS-VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vụ việc hơn 500 giáo viên huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc.

GS Đào Trọng Thi đánh giá lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc rất nhanh, trực tiếp xử lý vụ việc để trấn an tinh thần giáo viên và dư luận. Tuy nhiên trong quá trình xử lý nên căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, trên nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của NLĐ, đồng thời phù hợp với thực tiễn ở địa phương. 

“Với hơn 500 giáo viên tuyển dụng dư thừa, mỗi người lại được ký hợp đồng ở một thời điểm khác nhau, do nhiều đời Chủ tịch huyện ký, có hợp đồng đã hết hạn, có người còn hạn. Người có vị trí việc làm, người chỉ được tuyển theo hợp đồng thời vụ… Vì vậy khi xử lý vụ việc này cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên cần trên quan điểm: Nếu lãnh đạo làm sai thì phải chịu trách nhiệm chứ không được đẩy cái khó cho NLĐ, cho các thầy cô” – GS Đào Trọng Thi chia sẻ.

Nên đưa việc tuyển giáo viên 'về một mối'

Hàng loạt giáo viên ở Đắk Lắk đã đứng lên tố cáo việc họ phải bỏ tiền ra để “chạy việc”, công an cũng đang vào cuộc xác minh.  Tuy nhiên, theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk - việc phân cấp quản lý, tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục hiện nay đang có nhiều bất cập, nếu không giải quyết thì tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Ông nêu rõ: Ngày 24.12.2010, Chính phủ ban hành Nghị định 115 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ ở cấp huyện, Phòng GDĐT chịu trách nhiệm tham mưu việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, giáng chức… viên chức giáo dục.

Tuy nhiên đến năm 2014, Chính phủ lại có Nghị định số 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó quy định Phòng Nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập…

Phòng Nội vụ chỉ nắm trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không nắm cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn đến việc thiếu giáo viên môn này, nhưng lại đưa giáo viên môn khác về.

Ông Khoa cho biết, Sở GDĐT Đắk Lắk vừa có văn bản cáo cáo về vụ việc ở địa phương và đề nghị Bộ GDĐT có đề xuất với Chính phủ thống nhất lại việc tuyển dụng giáo viên, có cơ chế giao cho Phòng GDĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trong ngành, để tránh những bất cập về việc thừa-thiếu giáo viên như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn