MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên thiết bị trường học mong được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm về chế độ tiền lương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

6 kiến nghị để nhân viên thiết bị trường học sống được bằng lương

Bích Hà LDO | 21/03/2024 17:03

Thực hiện cải cách Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đánh giá vai trò của thiết bị dạy học (TBDH) là yếu tố không thể thiếu trong quá trình giảng dạy và học tập. Và để sử dụng có hiệu quả tất cả các TBDH thì trường học cần có nhân viên Thiết bị - Thí nghiệm, họ là những người đóng vai trò hết sức quan trọng, được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn thiết bị - thí nghiệm, có nghiệp vụ sư phạm.

Nhân viên thiết bị là người thầy thứ 2 của các em học sinh. Công việc của họ hàng ngày rất nhiều, ngoài việc công tác bảo quản TBDH, thường xuyên tiếp xúc với các lại hóa chất độc hại thì họ là những người giúp giáo viên chuẩn bị các đồ dùng dạy học trên lớp, chuẩn bị dụng cụ, hóa chất cho các thí nghiệm thực hành, thí nghiệm biểu diễn…

Để làm tốt công việc đó, yêu cầu người làm công tác thiết bị phải hiểu rõ được nguyên tắc làm việc, nắm được nội dung bài dạy, bài thí nghiệm thực hành, nắm được nguyên lý hoạt động của các thiết bị, sự tương tác giữa các loại hóa chất… để trợ giảng cho giáo viên hoàn thành tốt các tiết thí nghiệm thực hành.

Với đặc thù công việc như vậy, ngoài việc tuân thủ lịch làm việc theo giờ hành chính thì họ luôn phải làm việc bám sát theo phân phối chương trình các tiết học ở nhà trường. Họ phải có mặt từ sớm trước giờ vào lớp để chuẩn bị và cũng thường sẽ là người ra về sau cùng để kiểm tra, vệ sinh, cất đồ dùng thiết bị. Thời gian làm việc của họ thường sẽ vượt quá khung giờ hành chính quy định và diễn ra thường xuyên như vậy trong suốt cả năm học.

Ngoài ra ở nhiều nhà trường, khi không đủ số lượng viên chức theo các vị trí việc làm và theo định mức biên chế thì hầu như nhóm nhân viên Thiết bị - Thí nghiệm đều phải kiêm thêm rất nhiều các công việc hành chính khác như: Văn phòng, Y tế, Thủ quỹ, Thư viện, Công nghệ thông tin, Cơ sở vật chất... mà không hề có thêm khoản phụ cấp nào.

Nhân viên thiết bị trường học mong được thi biên chế, nâng lương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với mức lương dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng, nhân viên Thiết bị trường học không thể trang trải cuộc sống chỉ bằng đồng lương ấy.

Giáo viên được hưởng 30 - 50% phụ cấp theo từng cấp học, ngoài ra còn hưởng % thâm niên theo số năm công tác. Vậy nhưng rất nhiều giáo viên vẫn phải đề đạt nguyện vọng xin tăng lương và phụ cấp để đảm bảo cuộc sống ổn định do mức thu nhập hiện tại không đảm bảo duy trì ổn định cuộc sống. Vậy thì, với nhóm viên chức Thiết bị trường học ngoài đồng lương được hưởng theo ngạch bậc quy định, thêm với phụ cấp độc hại nguy hiểm là 0,1- 0,2 (tức 180.000 - 360.000 đồng/tháng tùy trường, thậm chí ở nhiều địa phương còn không có phụ cấp độc hại cho viên chức Thiết bị trường học dù là mức 0,1 hay 0,2), thì nhân viên thiết bị còn thiếu thốn và khó khăn đến mức độ nào?

Những ngày qua, Báo Lao Động nhận được rất nhiều chia sẻ, những tâm tư của đội ngũ nhân viên trường học, trong đó có nhân viên thiết bị. Họ có 6 kiến nghị và mong muốn được các cấp, các bộ, ban ngành quan tâm và có các chính sách tiền lương, phụ cấp và các chế độ làm việc như:

Thứ nhất, phụ cấp ưu đãi nghề hoặc trách nhiệm theo nghề: Cho tất cả các viên chức Thiết bị - Thí nghiệm trường học giống như phụ cấp các ngành nghề, Nhân viên Thiết bị cũng chuẩn bị cho tiết dạy và theo sát mọi tiết học cùng giáo viên, vậy họ cũng xứng đáng được hưởng phụ cấp đứng lớp như giáo viên.

Thứ hai, sửa đổi quy định “ưu đãi nghề đối với nhà giáo” thành “ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở giáo dục” và phân chia tỉ lệ % hưởng theo vị trí việc làm ví dụ như ngành y tế, vì nhân viên Thiết bị - Thí nghiệm cũng là bộ phận hành chính không thể thiếu cống hiến cho ngành Giáo dục.

Thứ ba, bổ sung chế độ tiền lương kiêm nhiệm đối với những viên chức Thiết bị - Thí nghiệm phải làm kiêm nhiệm thêm các công việc độc lập khác theo định mức biên chế vị trí việc làm đang còn thiếu ở đơn vị.

Thứ tư, phụ cấp độc hại nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức làm công tác Thiết bị - Thí nghiệm vì có thời gian làm việc nhiều với các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm (Do nhiều địa phương chưa thực hiện chi trả phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật cho viên chức Thiết bị - Thí nghiệm theo quy định của Chính Phủ).

Thứ năm, bổ sung thêm điều kiện thăng hạng và xếp lương của viên chức Thiết bị -Thí nghiệm giống như của các nhóm ngành khác. Việc thăng hạng và xếp lương Đại học cho nhân viên thiệt bị là hoàn toàn xứng đáng, bởi hiện tại nhiều viên chức Thiết bị - Thí nghiệm có bằng đại học nhưng vẫn chưa được thăng hạng và hưởng lương Đại học là một thiệt thòi lớn đối với họ.

Thứ sáu, đối với nhóm thiết bị cấp tiểu học: Theo bản mô tả vị trí việc làm thì đến tháng 7.2024 trong Thông tư 19/2020 không có vị trí cho nhóm Thiết bị Tiểu học? Vậy vị trí việc làm viên chức thiết bị cấp Tiểu học sẽ đi về đâu nếu không được chuyển đổi vị trí việc làm cho phù hợp với cải cách tiền lương mới. Nhiều người đang làm công tác Thiết bị ở các trường Tiểu học họ hoang mang và đặt câu hỏi rằng họ nằm ở vị trí nào và sẽ ra sao?

Nhân viên Thiết bị trường học mong muốn Chính phủ, các bộ ngành liên quan cùng quan tâm thấu hiểu thực trạng cuộc sống xoay quanh các vấn đề lương, phụ cấp của nhân viên trường học và sớm thay đổi chế độ chính sách tiền lương,ể nhân viên Thiết bị trường học cũng như các nhân viên khác trong trường học không bị thiệt thòi mà yên tâm được cống hiến, phát huy năng lực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn