MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 sai lầm thường gặp ở người mới đi làm

Nhiệm Phượng LDO | 05/09/2017 11:32
Những ngày đầu mới đi làm, "nhất cử nhất động" của bạn đều có thể lọt vào "tầm ngắm" của đồng nghiệp và cấp trên. Đây là thời điểm quan trọng quyết định tương lai của bạn ở công ty mới. Vì vậy, bạn cần chú ý cách hành xử sao cho phù hợp và khéo léo. Theo Trưởng phòng Nhân sự Công ty Tuyển dụng và Tìm kiếm việc làm hàng đầu Việt Nam CareerLink.vn, người mới đi làm thường hay mắc phải 6 sai lầm dưới đây.

Thông tin việc làm mới nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

1. Tỏ ra quá hiểu biết

Có thể trước đây bạn từng là sinh viên xuất sắc hoặc nhân viên giữ vị trí quan trọng trong công ty cũ, nhưng khi đến một chỗ làm mới bạn đừng vội vàng tỏ ra mình "biết tuốt". Như vậy mọi người sẽ cho rằng bạn kiêu căng, thích thể hiện và "ngựa non háu đá". Cách tốt nhất là những ngày đầu đi làm, bạn nên dành thời gian làm quen, tìm hiểu công việc và hòa nhập với đồng nghiệp. Sau đó, bạn cần suy nghĩ thấu đáo để đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính thuyết phục cho công ty.

2. Rụt rè, kém năng động

Trái ngược với thái độ kiêu căng lại là sự rụt rè trước những người xa lạ. Môi trường mới có thể khiến bạn hơi ngỡ ngàng và e ngại một chút. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn giữ vẻ rụt rè trong suốt những ngày đầu đi làm thì chắc chắn sẽ bị đánh giá là kém năng động và không hòa đồng. Thay vào đó, bạn nên chủ động hỏi han đồng nghiệp những gì đang thắc mắc. Chủ động đặt câu hỏi cho thấy bạn là người cởi mở, thân thiện và biết quan tâm đến công việc.

3. Không tìm hiểu văn hóa công ty

Bên cạnh thái độ làm việc, bạn cần rèn luyện cho mình kỹ năng quan sát để tìm hiểu văn hóa công ty. Bất kỳ công ty nào cũng có những nét văn hóa riêng. Nếu bạn không chịu khó quan sát đồng nghiệp xung quanh thì sẽ rất khó "nhập gia tùy tục".

Bạn nên đi làm sớm, rời khỏi văn phòng trễ để xem cách làm việc, cư xử, vui đùa, nghỉ ngơi của mọi người như thế nào. Từ đó bạn điều chỉnh hành vi và thái độ của mình sao cho phù hợp. Dành thời gian tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp là bước đệm quan trọng giúp bạn tiến nhanh trên con đường sự nghiệp sau này.

4. Không biết tạo dựng mối quan hệ

Những ngày đầu đi làm là thời gian tốt nhất để bạn tạo dựng mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp. Bởi khi đó mọi người đều đang sẵn lòng chào đón người mới. Bạn nên tranh thủ giờ ăn trưa bắt chuyện với đồng nghiệp hoặc mời sếp một tách cà phê trong giờ giải lao. Khi được giới thiệu, bạn hãy cố gắng nhớ tên tất cả mọi người và gọi đúng tên họ để tạo thiện cảm.

Bên cạnh đó, bạn nên giữ vẻ mặt tươi tắn với nụ cười thân thiện vì ai cũng muốn ở bên những người vui vẻ. Chỉ cần tươi tỉnh, lịch sự và khéo léo một chút, bạn sẽ nhanh chóng "ghi điểm" và hòa nhập với mọi người.

5. Nói xấu chỗ làm cũ

Trong những cuộc trò chuyện làm quen, nếu được hỏi về sếp cũ hay công ty cũ, tốt nhất bạn nên đánh giá chung chung như: "Mọi thứ đều tốt nhưng tôi muốn những thử thách mới". Nếu bạn nói xấu chỗ làm cũ, đồng nghiệp và cấp trên sẽ đánh giá bạn là người hay để bụng, nhiều thành kiến và không có kỹ năng gắn kết với cộng sự.

Không những vậy, mọi người sẽ nghi ngại sau này bạn cũng nói xấu về họ tương tự như cách bạn đang làm bây giờ. Trung thực và ngay thẳng là đức tính tốt nhưng trong một số trường hợp bạn không nên nói hết sự thật nếu không muốn gặp phải bất lợi.

6. Không chú ý vẻ ngoài

Cuối cùng, bạn cần chú ý đến vẻ ngoài của mình bởi ấn tượng đầu tiên mà bạn thể hiện ở chỗ làm mới. Ngày đầu đi làm bạn không nên mặc quá nổi bật như váy bó sát hay màu áo sặc sỡ. Ăn mặc lịch sự, tóc tai gọn gàng, mọi thứ sạch sẽ tươm tất sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với những người xung quanh.

Nếu công ty quy định đồng phục thì bạn không cần phải lo lắng về vấn đề ăn mặc. Nếu công ty không đưa ra quy định cụ thể thì bạn nên quan sát, hỏi han đồng nghiệp để chọn trang phục sao cho phù hợp.

Không phải ai cũng hoàn hảo để không mắc phải một sai lầm nào khi mới đi làm. Vì vậy, nếu bạn có lỡ mắc phải một trong những sai lầm trên thì cũng đừng quá lo lắng. Thái độ chân thành sẽ giúp bạn nhận lại tình cảm đáng quý từ đồng nghiệp và cấp trên. Chúc bạn thành công!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn