MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những lớp học khang trang, 30-35 học sinh như thế này vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Ảnh: Huyền Thanh

60 học sinh chen chúc trong một lớp, giáo viên quản đã khó, nói gì đến đổi mới

Đặng Chung LDO | 22/01/2018 14:00
Nhiều nơi do thiếu thốn cơ sở vật chất, 50-60 học sinh phải học trong một lớp. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu vẫn diễn ra tình trạng quá tải lớp học thế này, không chỉ khổ giáo viên mà còn là trở ngại trong việc thực hiện chương trình mới.

Sĩ số quá đông, trở ngại đổi mới

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình SGK mới, do UBND TP.Hà Nội tổ chức, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho rằng, điều kiện đầu tiên để thực hiện chương trình đổi mới là sự đồng thuận đổi mới của giáo viên.

Ngoài yếu tố giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, SGK mới cũng khiến nhiều người lo lắng. Ở các đô thị lớn hiện nay, tình trạng quá tải lớp học đang diễn ra ở mức báo động. Sĩ số các lớp công lập ở Hà Nội hiện trung bình ở mức 50 em, có những nơi sĩ số hơn 60 em một lớp.

“Sĩ số lớp quá đông, cô giáo vừa giảng bài, vừa gọi học sinh phát biểu, vừa nhắc nhở các em còn lại giữ trật tự. Với tình trạng quá tải lớp học như vậy, giáo viên chúng tôi nghĩ sẽ rất khó để dạy học sinh theo nhóm như yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới” – một giáo viên của Trường Tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận, nếu sĩ số đông sẽ khó đảm bảo đổi mới giáo dục thành công. Vì thế, ông kiến nghị: Các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần đảm bảo sĩ số học sinh đúng theo quy định: 35 em/ lớp đối với tiểu học, 45 em/lớp đối với THCS.

Phòng học còn tạm bợ, học sinh lấy gì thực hành?

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài.

Không riêng ở các vùng núi, ngay tại Hà Nội, nhiều ngôi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Học nhờ hội quán thôn, trưng dụng cả văn phòng, phòng y tế, hội trường để làm phòng học… là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi yêu cầu để thực hiện chương trình mới là phòng học phải đảm bảo, trang bị đầy đủ thiết bị, máy tính để học sinh tăng thời lượng thực hành.

Bà Nguyễn Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) thẳng thắn, trước những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường hiện chưa biết xoay xở ra sao. Dự án xây dựng trường đã có từ 16 năm qua nhưng nay chưa triển khai được. Hằng năm, nhà trường có đầu tư cải tạo, song cũng chỉ mang tính chắp vá, nên rất khó khăn để đáp ứng chương trình hiện hành.

Hiện nay, địa phương nào cũng viện dẫn lý do thiếu kinh phí để đầu tư cho trường lớp. Việc có được cơ sở vật chất đảm bảo, có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ của nhiều học sinh và phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn