MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghi án "đạo văn" của ông Nguyễn Đức Tồn đã kéo dài 10 năm, chẳng lẽ sẽ tiếp tục "chìm xuồng"?

Ai cho phép ông Nguyễn Đức Tồn phán xét nghi vấn đạo văn của chính mình?

GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam LDO | 22/06/2018 09:26

Lao Động xin giới thiệu bài viết của GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm của GS Lợi về cuộc họp xem xét nghi án đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Trong khi kết luận về buổi họp xem xét nghi án đạo văn của GS-TS Nguyễn Đức Tồn của Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học (diễn ra từ ngày 13.6) chưa được công bố, thì mới đây, ông Nguyễn Đức Tồn đã công khai một số nội dung của cuộc họp và công bố những giải trình của ông về nghi vấn đạo văn.

Những phát ngôn của ông Nguyễn Đức Tồn trên báo chí làm cho công luận càng thêm băn khoăn và bất bình ở những điểm như sau:

Thứ nhất, ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là cần “làm rõ nghi vấn đạo văn của GS-TS Nguyễn Đức Tồn”. Như vậy ông Nguyễn Đức Tồn là người cần được xem xét có đạo văn hay không, tức là nghi can. Thế nhưng ông Nguyễn Đức Tồn lại được tham gia cuộc họp, tức là ông Tồn vừa là người bị xem xét nghi vấn đạo văn, vừa là người phán xét nghi vấn đạo văn.

Như chính ông thông tin cho báo chí, trong cuộc họp, ông tiếp tục biện hộ cho hành vi đạo văn có hệ thống và trắng trợn của mình. Cách làm này của Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học rõ ràng không đáp ứng yêu cầu của Phó Thủ tướng “làm rõ nghi vấn đạo văn… một cách nghiêm minh, khách quan”.

Thứ hai, lẽ ra, trong cuộc họp này ông Tồn không được quyền có mặt, dù ở tư cách nghi can. Bởi vì, bà Nguyễn Thúy Khanh - người bị ông Tồn lấy gần 100 trang luận án đưa sách của ông Tồn, rồi lại bị ông Tồn vu là “đạo” của ông không được tham dự cuộc họp, dù ở tư cách người bị hại (bị đạo văn), hay tư cách nghi can (do ông Tồn tố).

Cách làm này của Hội đồng Ngôn ngữ học cũng không thể xem là “nghiêm minh và khách quan”.

Thứ ba, trong khi công luận đang chờ kết luận (do Chủ tịch Hội đồng báo cáo bằng văn bản) của Hội đồng ngành Ngôn ngữ học, thì ngày 15.6.2018, ông Nguyễn Đức Tồn đã thông báo trên báo chí về kết quả cuộc họp.

Như vậy, ông Tồn đang là người bị xem xét lại tiếm quyền ngồi ghế người phán xét và cũng lại là người phát ngôn của hội đồng ngành. Điều này càng không thể coi là cách làm việc nghiêm minh, khách quan.

Thứ tư, kết thúc cuộc họp của Hội đồng ngành Ngôn ngữ học vào ngày 13.6 vừa qua, một thành viên hội đồng ngành có thông tin rằng: “Hội đồng cảm thấy sự việc phức tạp, cần được đưa lên các cấp cao hơn để giải quyết, có thể cần sự can thiệp của tòa án, sở hữu trí tuệ để xác minh”.

Tại sao lại có sự “bẻ lái” này ? Gọi là “bẻ lái” vì Hội đồng ngành Ngôn ngữ học đã hướng vấn đề theo một hướng khác. Xin nhắc lại, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là Bộ GDĐT cần làm rõ nghi vấn đạo văn của ông Tồn, chứ không phải làm rõ “bản quyền”, “sở hữu trí tuệ”.

Thứ năm, nếu những thông tin của ông Tồn về kết luận cố tình “bẻ lái” vụ đạo văn sang một hướng khác của hội đồng ngành là đúng, thì công luận nhận thấy rằng, trong cuộc họp này, ông Tồn là người điều khiển, chỉ đạo cuộc họp chứ không phải ông chủ tịch và các thành viên khác của hội đồng.

Thứ sáu, trong khi sự vụ đạo văn đã kéo dài hơn 10 năm, nhân chứng, vật chứng đã đầy đủ, rõ ràng, cần kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền- như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thì ông Tồn lại tung hỏa mù, khiến hội đồng đá vấn đề lên trên, lái sang hướng khác, rất tù mù và phức tạp: Vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Khi những người bị ông đạo văn chưa có đơn kiện ông ra tòa án vì bị cướp bản quyền, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, thì làm sao tòa án giải quyết? Chẳng lẽ ông hy vọng, vụ việc vốn đã rõ ràng trở nên tù mù, rối rắm, tòa án không giải quyết và vụ việc đi vào quên lãng, chìm xuồng.

Thứ 7, ông Nguyễn Đức Tồn đã chuẩn bị sẵn quân bài để giải bí thế cờ về “bản quyền, sở hữu trí tuệ”, nếu cơ quan có thẩm quyền (Bộ GDĐT, Hội đồng Chức danh Nhà nước) và công luận sa vào. Ông Tồn khẳng định mình không đạo văn bởi vào thời kỳ đó (1995-1996) nước ta chưa có Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là một cách “lách luật” trơ trẽn.

Như vậy, trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng “cần làm rõ nghi vấn đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn”, Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học đã không làm việc một cách nghiêm minh và khách quan.

Trong khi dư luận vẫn đang chờ kết luận chính thức của Hội đồng về vụ việc, thì chính ông Tồn lại là người phát ngôn của hội đồng, giành quyền thông tin với báo chí về kết luận của hội đồng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin từ phía ông Tồn. Công luận mong nhận được thông tin chính thức từ phía Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học và Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn