MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh đã hoàn thành môn thi đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Hải Nguyễn

"Ai đã đặt tên cho dòng sông" vào đề thi Ngữ Văn, giáo viên khen hay

Bích Hà LDO | 26/06/2019 13:47
 Nếu học sinh than đề khó, câu nghị luận xã hội không mới, thì giáo viên lại nhận xét đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019 là hay, thú vị.

Học sinh “có đất” để phát huy năng lực

Sáng 25.6, gần 900.000 thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thí sinh có nhiều tâm trạng khác nhau, em bảo đề khó, em nói đề dễ.

Đặc biệt đề thi ra vào tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến nhiều học sinh bất ngờ. Với những thí sinh học tủ, thì không dễ làm tốt đề thi này. Bởi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là một trong những tác phẩm  hay, nhưng phức tạp trong chương trình phổ thông. Nếu học qua loa sẽ khó làm được bài.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. 

Còn với giáo viên, nhiều người cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay khá thú vị, có đất để học sinh phát huy năng lực.

Theo cô Vũ Thị Bình - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội), đề thi chính thức tương đối sát với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức độ các câu hỏi vừa sức, có sự phân hóa, đánh giá được đúng thực lực của học sinh.

Về phần Đọc hiểu: 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh đồng thời có tính gợi mở, giúp học sinh khá giỏi “có đất”  để phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo.

Về phần Làm văn: Đoạn văn nghị luận xã hội bám sát vào văn bản đọc hiểu, phù hợp với sự hiểu biết về xã hội của học sinh; đồng thời có tính định hướng thiết thực cho các em, có ý nghĩa giáo dục và vận dụng cao vào thực tế.

Về bài văn nghị luận văn học, văn bản được trích dẫn hay, tiêu biểu, phù hợp với kiến thức của học sinh đã được học trong chương trình, đồng thời có sự phân hóa về năng lực.

Cô Bình cho rằng những em học sinh có học lực trung bình vẫn có thể hoàn thành bài thi. Những học sinh khá giỏi sẽ phát huy được năng lực cảm thụ văn học, đặc biệt là năng lực phân tích, so sánh, tổng hợp hình tượng nghệ thuật để đạt được điểm cao.

Đặt ra vấn đề nhân sinh

Cũng nhận xét về đề thi môn Ngữ văn năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, Giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng phần đọc hiểu có tính chiến lược theo tinh thần của Bộ, mang tính đổi mới. Đề thi đặt ra cho học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời những vấn đề vừa phù hợp với kiến thức, thiết thực với cuộc sống, đồng thời gợi mở cho học sinh tầm nhìn đối với tương lai.

Ví dụ, như sứ mệnh của con người, khát vọng của con người, hành trình khám phá bản thân... Mỗi học sinh cần tự mình đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi trong suốt hành trình của cuộc đời mình.

Đó là câu hỏi ta là ai trong cuộc đời này, sứ mệnh của ta là như thế nào và để thực hiện sứ mệnh phải khát vọng như thế nào. Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử, mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh đối với học sinh.

Ở câu 4 của phần đọc hiểu là câu hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, con người sinh ta không chỉ có “mặn chát của giọt mồ hôi cay đắng” mà tiềm ẩn trong mỗi con người luôn là những khát khao, là hành trình theo đuổi khát vọng của bản thân.

Cũng theo cô Tú, phần câu 1 của phần làm văn tiếp tục bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Bản chất của ý chí là từ khát vọng. Với trình tự ra đề như vậy, học sinh có thể biết kết nối kiến thức theo một mạch nhất quán.

Câu 2 của phần làm văn rất đậm chất văn, đây là đoạn tiêu biểu trong bài ký  “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đây cũng là đoạn thể hiện rõ nét đặc điểm địa lý của con sông Hương và hơn hết bộc lộ phong cách riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn