MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lớp 12 cần sớm xây dựng kế hoạch học tập để lường trước những rủi ro mà dịch COVID-19 gây ra trong việc thi cử. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Áp lực khi tham gia kì thi riêng của các trường đại học

Bích Hà LDO | 17/08/2021 18:38

Các kì thi riêng chưa đạt mức độ ổn định cần thiết do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này đang khiến lứa học sinh 2004 phải đối mặt với một số áp lực. Các em nên xây dựng kế hoạch học tập ra sao để thích ứng với rủi ro, tính bất định do dịch bệnh đưa đến trong học tập và thi cử?

Các kì thi riêng phải hoãn, lùi do dịch bệnh

Theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7.2020, kì thi THPT Quốc gia đã được đổi tên thành kì thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì kết hợp với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây.

Do đó, căn cứ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang trở nên “yếu ớt” hơn khi tính phân loại của đề thi không còn đáp ứng đủ yêu cầu xét tuyển, đặc biệt là ở các trường đại học top đầu.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống giáo dục HOCMAI.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, từ những yếu tố trên, các trường đại học top đầu có xu hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, đặc biệt là tự chủ, tự xây dựng cho mình phương thức tuyển sinh mới, trong đó có bài thi riêng với nhiều khả năng trở thành xu hướng chủ đạo.

Do đó, việc tham gia vào các kì thi riêng của các trường đại học đang là một lựa chọn bổ sung, một “lối đi” khác để học sinh “tìm đường” vào đại học.

Thực tế, một số học sinh không đủ điểm chuẩn khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng lại trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển theo điểm của kì thi riêng. Do đó, nếu học sinh có nguyện vọng theo học tại trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng kì thi riêng thì nên thử sức.

Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, trong vài năm vừa qua, các kì thi riêng chưa đạt mức độ ổn định cần thiết vì thường xuyên chịu tác động bất ngờ, khó đoán của dịch bệnh COVID-19. Trong 2 năm qua, không ít học sinh đặt mục tiêu vào các kì thi riêng nhưng rồi lại vỡ kế hoạch vì các kì thi bị trì hoãn, lùi lịch.

Hiện nay, chỉ có kì thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đã tổ chức qua nhiều năm, được nhiều trường đại học khu vực phía Nam sử dụng làm căn cứ xét tuyển.

Hai kì thi riêng nổi bật còn lại là kì thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội và bài thi đánh giá năng lực tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có phạm vi sử dụng xét tuyển tương đối hẹp.

"Vì vậy, khi tham gia vào các kì thi riêng, học sinh nên xác định rằng, cơ hội xét tuyển sẽ thu hẹp hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT. Các em cần phải có một niềm đam mê, một lựa chọn rõ ràng và quyết đoán với trường đại học mà các em mong muốn theo học trước khi đưa ra quyết định" - thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.

Cần xây dựng kế hoạch học tập từ đầu năm học

Cũng theo thầy Ngọc, khi quyết định tham gia kì thi riêng, học sinh nên xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện hợp lí. Bởi với mỗi trường, bài thi riêng lại có những đặc điểm riêng biệt về hình thức, mức độ yêu cầu và phạm vi giới hạn kiến thức.

Các bài thi riêng có mục tiêu đánh giá năng lực thực sự của thí sinh nên không đặt ra giới hạn về kiến thức, hình thức thi. Vì vậy các em không thể học tủ, học vẹt.

Thầy Ngọc cho rằng, để có kết quả tốt, học sinh cần xây dựng năng lực thật, kiến thức thật bằng cách học thật, học để hiểu, để nắm chắc kiến thức và có thể vận dụng linh hoạt vào việc xử lý các tình huống mới mẻ của đề thi.

Theo đó, thí sinh nên dành nửa đầu năm học lớp 12 để ôn - luyện thi tổng quát, nắm chắc toàn diện kiến thức, thành thục mọi kĩ năng cần có, không phân biệt thi tốt nghiệp hay thi riêng. Tới nửa sau của năm học, tùy vào năng lực mình có và mục tiêu cụ thể về ngành/trường, các em sẽ lựa chọn việc thi riêng và cân nhắc mức độ đầu tư cho kì thi.

Cụ thể, các em nên sưu tầm các đề thi mẫu mà trường đã công bố trong những năm gần đây để hình dung cụ thể hơn những nội dung kiến thức cần chuẩn bị, dạng thức của câu hỏi, bài tập...

Sau đó, học sinh nên tìm kiếm các tài liệu học có chứa các câu hỏi và bài tập tương tự để luyện tập thêm. Ngoài ra, để thêm phần tự tin và thành thạo mọi dạng bài, học sinh có thể tham khảo các khóa học được thiết kế trực tuyến, vì hầu hết các kì thi riêng hiện nay đều thực hiện trên máy tính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn