MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tại lớp ôn thi cấp tốc vào lớp 10 công lập. Ảnh: PHCC

Bản chất việc dạy thêm là không xấu, nhưng quản lý thế nào cho minh bạch?

Vân Trang LDO | 15/11/2021 10:18

Nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng dạy thêm cần được sớm đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hoạt động này diễn ra công khai, minh bạch và có kiểm soát.

Khi học thêm là nhu cầu của người học

Em Nguyễn Việt Hoàng - học sinh lớp 12 (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm thật sự cần thiết và chân chính khi học sinh tự nguyện đi học.

"Là học sinh cuối cấp, chúng em cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào các trường đại học. Vì vậy, việc học thêm để bổ trợ cho kiến thức trên lớp là hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ nhu cầu của chúng em.

Việc dạy và học thêm sẽ thật sự cần thiết nếu học sinh tự nguyện đi học, học vì yêu thích chứ không phải học vì gánh nặng điểm số, vì sợ giáo viên trù dập" - Hoàng nêu quan điểm.

Là nhà giáo tâm huyết, gắn bó nhiều năm trong nghề, thầy Nguyễn Văn Ân - Trường THPT Việt Yên 2 (Việt Yên, Bắc Giang) nhận định bản chất việc dạy thêm là không xấu và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.

“Chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay còn nặng, học sinh phải học rất nhiều môn học một lúc và phải đối mặt với rất nhiều kỳ thi căng thẳng, áp lực như thi vào lớp chọn, thi vào trường chuyên, thi đại học… Trong khi đó, với thời gian học trên lớp, giáo viên chỉ có thể đáp ứng lượng kiến thức cơ bản.

Như vậy, nhu cầu tìm đến các lớp học thêm để bổ sung, bồi dưỡng thêm kiến thức của học sinh và phụ huynh là điều dễ hiểu. Trên phương diện này, dạy thêm lại giúp học sinh củng cố, mở rộng kiến thức, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi mang tính chất tuyển chọn cao” – thầy Ân phân tích.

Cần có bộ quy định rõ ràng để quản lí thật nghiêm dạy thêm, học thêm

Theo anh Thiều Văn Vệ (phụ huynh học sinh lớp 9 tại Đông Sơn, Thanh Hóa), việc quản lý dạy thêm học thêm lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn - "không quản được thì cấm". Vì vậy, quy về quản lý là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ cần thiết.

"Bản chất của dạy thêm, học thêm không xấu vì nó giúp bổ sung kiến thức bị thiếu hụt, bồi dưỡng bản thân. Dạy thêm, học thêm chỉ xấu khi có một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo, dọa nạt học sinh phải học thêm.

Vì vậy, cần có bộ quy định rõ ràng, có cơ quan quản lý trực tiếp các thông tin lớp học, cơ sở vật chất, chứng nhận giáo viên, chương trình giảng dạy,... và xử lý mạnh những trường hợp vi phạm" - anh Vệ nêu ý kiến.

Với Phương Anh- học sinh lớp 10 tại Hà Nội, việc dạy thêm có 2 mặt lợi và hại. Mặt lợi là khi giáo viên giúp học sinh tiến bộ hơn, hiểu sâu hơn về môn mà học sinh muốn tìm hiểu. Còn nếu giáo viên dạy thêm sai cách, chèn ép học sinh, trù dập học sinh không đi học thêm,... thì đó là điều đáng lên án.

"Việc dạy thêm lợi hay hại luôn phụ thuộc vào cả giáo viên và học sinh. Hiện nay, dù học thêm bị cấm, nó vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thay vì cấm đoán, nên có quy định cụ thể, để hoạt động dạy thêm, học thêm được công khai minh bạch.

Em đồng tình quan điểm đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi các thầy cô cũng phải bỏ ra chất xám, bỏ ra sức lao động của mình để giúp học sinh tiến bộ hơn. Nếu đã có luật quy định cụ thể, các thầy cô tuân theo và hoạt động dạy thêm, học thêm không còn là nỗi khó cho cả cô và trò" - Phương Anh bày tỏ quan điểm. 

Một giáo viên tại Hà Nội cũng cho rằng, nên có quy định cụ thể, rõ ràng về học thêm, dạy thêm. Đặc biệt, Bộ GDĐT nên giao trách nhiệm quản lý cho từng cơ sở.

"Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh. Việc một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm cần lên án, nhưng không thể đánh đồng tất cả giáo viên.

Vì vậy, nếu đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GDĐT nên xây dựng quy định cụ thể và giao trách nhiệm quản lý xuống từng địa phương, thậm chí là từng trường học. Địa phương phải có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo" - giáo viên nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn