MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2022, trường Trường ĐH Vinh (TP Vinh - Nghệ An) tuyển 5.5000 chỉ tiêu cho 54 ngành đào tạo. Ảnh: HĐ

Băn khoăn về tương lai của đại học Nghệ An

QUANG ĐẠI LDO | 31/07/2022 10:39

Nghệ An - Vào năm học 2022-2023, 3 trường là Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An sẽ được sáp nhập và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.

Thu gọn đầu mối, tập trung nguồn lực

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2124 về “Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và Đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quyết định số 2124 nêu giải pháp vào năm học 2022-2023, sáp nhập 3 trường là Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Đến năm 2025, tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh này thành Đại học Nghệ An. Đến năm 2030, phát triển theo hướng chuẩn hóa khu vực và quốc tế và đến năm 2045, quyết tâm đưa Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Theo GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD ĐT Nghệ An, việc sáp nhập một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để thành lập trường Đại học Nghệ An xuất phát từ thực tiễn trình độ đào tạo của trường Cao đẳng sư phạm không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, một số trường gặp khó khăn trong tuyển sinh.

“Sáp nhập là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư” – Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An nói.

Tương lai nào cho Đại học Nghệ An?

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 6 trường Đại học, 9 trường Cao đẳng 13 trường Trung cấp nghề. Địa phương đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đưa chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Nghệ An đạt trên mức bình quân chung cả nước, dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có chủ trương thành lập Đại học Nghệ An.

Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 trường để thành lập trường Đại học Nghệ An còn gây nhiều băn khoăn. Nghiên cứu sinh Trang Tuệ (Nghệ An) trao đổi: “Vấn đề là sau thành lập, Đại học Nghệ An có thể vươn lên thành một đại học đẳng cấp, hay là rơi vào tình trạng ì ạch, khó khăn? Đại học là tinh hoa, để xây dựng thương hiệu đại học và khẳng định được vị thế trong hệ thống giáo dục quốc gia không hề đơn giản”.

Theo một số chuyên gia, rất nhiều trường đại học thuộc tỉnh được thành lập đồng loạt khoảng chục năm trước, nay hầu hết rơi vào tình trạng khó khăn, lượng tuyển sinh thấp, không có thương hiệu, đứng trước tình trạng “sống dở chết dở”.

Tỉnh Nghệ An có một số trường đại học như Đại học Công nghiệp Vinh, Đại học Vạn Xuân, Đại học Kinh tế Nghệ An đều đang rơi vào tình trạng khó khăn do chưa có thương hiệu, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Đặc biệt, trên địa bàn TP.Vinh đã có Trường Đại học Vinh thuộc Bộ GDĐT quy mô lớn, đa ngành, có truyền thống lâu đời và có thương hiệu. Do đó, Đại học Nghệ An càng khó cạnh tranh trong tuyển sinh.

Việc thành lập thêm một trường đại học cần nguồn đầu tư lớn từ ngân sách và diện tích đất, phát sinh bộ máy, biên chế, trong khi trên địa bàn đã có nhiều trường đại học, đặc biệt là có Trường Đại học Vinh có quy mô lớn, đa ngành nghề là điều cần xem xét.

“Các trường đại học địa phương đều có khó khăn chung trong việc thu hút các giảng viên có trình độ cao và nguồn lực đầu tư, liên kết đào tạo... Mặt khác, đa số phụ huynh học sinh đều muốn con về các thành phố lớn để học đại học. Do đó, việc thành lập trường đại học thuộc tỉnh cần cân nhắc, tính toán thận trọng, tránh trường hợp đầu tư lớn nhưng sau đó không phát triển được như kỳ vọng, thậm chí còn phải giải quyết nhiều hệ lụy.

Theo tôi, nên sáp nhập các trường đại học trên địa bàn Nghệ An về Đại học Vinh, thành lập thêm khoa mới ở Đại học Vinh là giải pháp vẹn toàn” – nghiên cứu sinh Trang Tuệ trao đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn