MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những năm gần đây, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM (ảnh minh hoạ). Ảnh: Anh Thư

Băn khoăn việc tăng quy mô tối đa số lớp trong trường THPT lên 50 lớp

Anh Thư - Trần Hạnh LDO | 27/04/2024 12:23

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất cho phép các trường trung học phổ thông (THPT) tăng quy mô tối đa lên 50 lớp nhằm giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp. Liệu đề xuất này có khả thi?

Phụ huynh vui mừng

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.

Tại dự thảo, Bộ đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô của trường THPT, theo hướng tăng lên: "Trường THPT có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp". Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, trường THPT có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 45 lớp.

Tiếp nhận thông tin này, chị Trần Diệu Linh (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) - phụ huynh có con đang học lớp 8 - bày tỏ sự vui mừng nếu dự thảo chính thức được thông qua.

“Đề xuất này nên được thông qua bởi sẽ giúp giải quyết phần nào nhu cầu vào học ở các trường công lập của học sinh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Một trường THPT có tối đa 50 lớp tương đương với mỗi khối có 16 - 17 lớp, tăng so với hiện nay 2 - 3 lớp. Nhiều trường cùng thực hiện, học sinh sẽ tăng cơ hội vào trường công lập.

Đồng nghiệp của tôi nhiều người có con năm nay thi vào 10, đều lo lắng con không thi đỗ, phải vào tư thục học, rất tốn kém. Con nhà tôi năm sau cũng bước vào kỳ thi, nên tôi rất kỳ vọng dự thảo được thông qua, từ đó giảm bớt áp lực cho cả học sinh và phụ huynh” - chị Linh bày tỏ.

Giáo viên băn khoăn

Trái ngược với sự vui mừng của phụ huynh học sinh, cô Bùi Thảo Ly - giáo viên Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn. Nữ giáo viên cho rằng, việc tăng số lớp nên được nghiên cứu kỹ, tránh gây áp lực lên cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

“Hiện nhiều trường THPT có cơ sở vật chất khá cũ, xuống cấp; có trường, khối 10 và khối 12 học chung một dãy nhà, một lớp học. Việc tăng thêm lớp học, đón thêm học sinh sẽ dẫn đến tình trạng thiếu phòng học trầm trọng, bao gồm cả các phòng bộ môn, phòng máy, phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, tăng số lớp cũng đặt áp lực không hề nhỏ lên vai đội ngũ giáo viên. Có thể xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy, kéo theo đó, giáo viên trong trường phải gia tăng số tiết, số buổi dạy. Về lâu, về dài sẽ gây tâm lý mệt mỏi. Vì vậy, tăng số lớp phải tính đến câu chuyện đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực” - cô Bùi Thảo Ly nêu ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, lãnh đạo Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) đồng tình với đề xuất trên. Điều này giúp các em học sinh có thêm cơ hội được học tại các trường công lập. Theo đó, tùy từng địa phương, các trường sẽ được cân nhắc có thêm chỉ tiêu trong công tác tuyển sinh hay không.

Tuy nhiên, theo vị này, việc tăng quy mô tối đa của các trường cần xem xét nhiều yếu tố khác như cơ sở vật chất.

"Giả sử một trường có cơ sở vật chất vừa đủ cho 30 lớp học và các phòng học bộ môn, nay được yêu cầu tăng thêm lớp, vậy các lớp được tăng thêm sẽ phải bố trí như thế nào? Đồng thời việc tăng số lượng lớp học, cũng đồng nghĩa với việc tăng số lượng học sinh. Nhưng nếu biên chế của các giáo viên vẫn giữ nguyên thì sẽ tạo áp lực rất lớn tới thầy cô giảng dạy. Một giáo viên có thể giảng dạy tốt nếu đảm nhận 3 lớp, nhưng khi phải đảm nhận 4-5 lớp thì khó có thể đảm bảo chất lượng dạy học. Vì vậy phải cân đối hợp lý giữa số lượng giáo viên và học sinh" - lãnh đạo Trường THPT Kim Liên góp ý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học từ nay đến hết ngày 11.6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn