MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2018 sẽ đào tạo sư phạm theo đặt hàng, phấn đấu tuyển được người ưu tú nhất vào ngành. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Bao giờ ngành sư phạm tuyển được thí sinh ưu tú nhất?

Đặng Chung LDO | 01/01/2018 12:43
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra mốc thời gian là năm 2018, phấn đấu điểm đầu vào sư phạm sẽ nằm trong top đầu. Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới, vẫn còn ngổn ngang đầu việc, dù mong muốn tuyển được người giỏi nhất vào ngành sư phạm là rất chính đáng, của không riêng Bộ trưởng.

Không thể duy ý chí

Năm học 2017-2018 này, có trường sư phạm số lượng sinh viên tuyển được còn ít hơn cả số giảng viên trong trường. Cao Đẳng sư phạm Quảng Trị, có khoa  9 giảng viên nhưng chỉ có... 5 sinh viên theo học.

Vì sao thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm? Thừa thiếu giáo viên cục bộ, sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải chạy việc hàng trăm triệu đồng. Để có được một suất biên chế trong ngành giáo dục, thậm chí có hiện tượng chấp nhận “đổi tình”. Đổi lại là gì: Lương không đủ sống, áp lực nghề nghiệp, cống hiến cả đời nhận lại 1,3 triệu đồng lương hưu… Những “điểm nóng” trong ngành giáo dục năm vừa qua đã là câu trả lời.

Năm 2018, hứa hẹn ngành giáo dục thay đổi, chỉnh sửa những điều chưa phù hợp trong các quyết sách trước đây của ngành. Mở đầu bằng lời quyết tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phấn đấu điểm đầu vào sư phạm sẽ nằm trong top đầu.

Nhận xét về điều này, GS –TSKH  Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng đây là chủ trương đúng. Tuy vậy, điểm chuẩn sư phạm có nâng lên hay không phụ thuộc rất lớn vào các chính sách đãi ngộ. Những điều đó nếu không được thực hiện đồng bộ rất dễ trở thành duy ý chí.

Giao chỉ tiêu không đúng, ai phải chịu trách nhiệm?

Cũng từ năm 2018, Bộ GDĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học  (Bộ GDĐT) cho rằng sau bao lần cải cách, lại quay về yêu cầu phải đào tạo theo đơn đặt hàng. Việc này là tất yếu.

Tuy nhiên, theo TS Khuyến, việc phân cấp quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay không rõ ràng, lộn xộn, cuối cùng thành ra không ai quản lý ai cả. Ông kiến nghị nên thu về một đầu mối quản lý nhà nước và Bộ GDĐT chịu trách nhiệm phân cấp về các địa phương.

"Nếu Bộ GD giao chỉ tiêu xuống từng địa phương, cho từng trường, thì ngành giáo dục phải chủ động được về nhân sự.

Hệ thống trường sư phạm hiện nay thuộc về Bộ GDĐT quản lý. Bộ cũng quản lý các sở, phòng giáo dục địa phương, nên Bộ không thể không biết nhu cầu giáo viên ra sao. Nếu giáo viên đào tạo ra thừa, không đáp ứng đúng kế hoạch đặt ra, Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Ông cũng nói thêm: "Bộ GDĐT cũng không thể "ôm tất cả", mà phải phân cấp quản lý về địa phương.

Nếu các địa phương khi được phân cấp đưa ra dự báo nhu cầu sai, dẫn đến việc giao chỉ tiêu sai, thì người đứng đầu UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Bộ GDĐT. Có như vậy mới giảm tình trạng "cha chung không ai khóc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn