MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh thân thiết của thầy trò ông Park Hang-seo. Ảnh: VFF

Báo Hàn Quốc ca ngợi hết lời tình thầy trò của ông Park Hang-seo

Đặng Chung LDO | 23/12/2018 12:58

Phía sau những khoảnh khắc quyết liệt, máu lửa ngoài sân cỏ, ông Park Hang-seo không chỉ là một người thầy mà giống như người cha. Bất kỳ nhà giáo dục, nhà ngoại giao nào cũng có thể rút ra bài học cho mình khi nhìn vào những hành động nhỏ nhất của vị chiến lược gia khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Cây bút Park Moo-jong của tờ Korea Times vừa có bài viết giải mã “cơn sốt” Park Hang-seo ở Việt Nam và cả Hàn Quốc, nhân dịp ông Park vừa trở về quê hương để nhận giải “Nhân vật của năm”.

Tác giải bài viết gọi Park Hang-seo là “Papa leadership' - tài lãnh đạo của một người cha và dành nhiều lời khen cho sự đoàn kết giữa các cầu thủ Việt Nam, tình cảm thầy trò của huấn luyện viên Park.

Ông Park Hang-seo khóc khi Việt Nam dành chức vô địch AFF Cup 2018.

“Cơn sốt Park Hang-seo đang càn quét không chỉ ở Việt Nam mà cả Hàn Quốc sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại giải AFF Cup 2018.

Thành công đáng kinh ngạc của Việt Nam rõ ràng đã biến vị chiến lược gia 59 tuổi của đội tuyển quốc gia thành một nhà ngoại giao”-  cây bút Park Moo-jong viết.

Huấn luyện trưởng đội tuyển Việt Nam luôn thân thiết và nhận được sự tin yêu của học trò 

Còn với những người làm giáo dục, huấn luyện viên Park Hang-seo là tấm gương sáng để mỗi thầy cô soi mình, để cùng thay đổi. Rào cản về ngôn ngữ có thể khiến thầy trò ông Park gặp khó khăn trong việc gắn kết với nhau, nhưng vị huấn luyện viên đã dùng hành động, sự quan tâm của mình để giao tiếp với học trò.

“Ông ấy thân thiện với học sinh của mình. Ông đã nhường ghế hạng thương gia cho một cầu thủ bị thương. Ông tự xoa bóp chân cho các cầu thủ khi họ bị đau. Ông gần gũi và đối xử với các cầu thủ như ông là cha của họ.

Hành động bất ngờ khi cầu thủ chạy vào phòng họp báo hôn và đổ nước lên đầu người thầy của mình, rồi ông Park đáp lại bằng ánh nhìn trìu mến đủ thấy mối quan hệ, tình thầy trò của họ gắn kết thế nào” – tác giả Park Moo-jong dành lời thán phục.

Ở một diễn biến khác, tại Việt Nam những ngày qua, dư luận “sôi sục” trước những câu chuyện buồn của giáo dục nước nhà. Trong khi đó, tư lệnh ngành giáo dục phát động phong trào “chúng ta cùng thay đổi” – giáo viên thay đổi, hiệu trưởng thay đổi và Bộ trưởng cũng sẽ thay đổi.

Ông Park Hang-seo đã cho người làm giáo dục ở Việt Nam những bài học. Trong thời gian cầm quân tại Việt Nam, ông đã gắn kết được một tập thể, bằng sự tôn trọng mà mình dành cho học trò. Mỗi người có một thế mạnh riêng và thầy Park hiểu, nhìn ra điều đó để giúp học trò tỏa sáng.

Trong giáo dục, người giáo viên giỏi là người hiểu rõ tố chất từng học sinh để giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân. HLV Park Hang Seo đã làm tốt điều đó.

Còn nhớ sau trận thi đấu lịch sử với đội tuyển Uzbekistan ở vòng chung kết U.23 Châu Á và để mất cơ hội giành Huy chương Vàng, ông Park Hang Seo đã vực tinh thần các học trò người Việt bằng câu nói: “Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu?”.

Dạy học trò học cách chiến thắng là điều quan trọng nhưng dạy chúng đối diện với thất bại cũng cần thiết không kém.  Có những người thầy chọn cách dằn vặt, thậm chí "hành hạ" học trò khi các em không đạt được kỳ tích mà mình mong muốn. Có những giáo viên đánh học trò vì các em không làm được bài, điểm số thấp làm ảnh hưởng đến thi đua.

Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy. Bài học mà ông Park Hang-seo mang đến không chỉ giới hạn ở bóng đá, mà nó còn đúng và thấm thía cho những người làm giáo dục trong việc  tôn trọng và phát huy tài năng ở từng học sinh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn