MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bạo lực học đường dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý

Minh Hà LDO | 22/04/2023 15:11

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy, làm gì để môi trường học đường thực sự an toàn? Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang về vấn đề này.

- Bạo lực học đường không chỉ gây ra những vết thương ngoài da mà còn là nỗi đau dai dẳng về mặt tâm lý, thậm chí có vụ việc gây ra tử vong. Điều đáng nói, bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

- Nhiều năm làm việc với các em học sinh ở trường phổ thông, tôi nhận thấy ngoài việc tới trường để học hỏi kiến thức, mối quan hệ với bạn bè của các em có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một trong những nỗi ám ảnh của các em là bị cô lập, bị kỳ thị, và đặc biệt là việc bị dọa đánh hội đồng là một ám ảnh và tạo khủng hoảng tinh thần rất lớn.

Chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang chia sẻ những quan điểm về vấn đề bạo lực học đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều trường hợp học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, cũng là vấn đề đáng báo động. Về mặt đạo đức, không thể ỷ lại đám đông để bắt nạt người không hợp mắt, không sống theo cách mà mình muốn. Về mặt nhận thức và hành vi, nó thể hiện sự lệch lạc của lối sống, của sự giáo dục đối với các em đó. Nhưng có lẽ trên hết, đó là sự vô cảm trước cảm xúc và đau khổ của người khác, cùng trang lứa và độ tuổi của mình. Chưa nói tới vấn đề, khi tìm hiểu về một số em dùng bạo lực để bạo hành người khác, bản thân cũng có tâm lý bất ổn, hoặc là nạn nhân của một loại bạo hành nào đó.

- Vì sao bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng?

- Bạo lực học đường nảy sinh có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố về tâm lý lứa tuổi. Lứa tuổi học sinh thích thể hiện, hiếu thắng, bốc đồng nên dễ nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Nhưng với sự gia tăng số ca như hiện nay, bỏ qua yếu tố về sự tăng lên của số lượng học sinh, và sự phát tán của các clip, tin tức liên quan đến bạo lực học đường khiến cho ta thấy bạo lực học đường xuất hiện nhiều hơn.

Yếu tố thực sự theo tôi đến từ nhận thức về bạo lực, sự thấu hiểu – đồng cảm của các em học sinh với nhau, sự bức bối, căng thẳng từ cuộc sống, học tập đến ảnh hưởng của các phim hành động, của sự bức bối do lối sống, sinh hoạt. Đặc biệt là sự thiếu quan tâm, yêu thương, dạy dỗ  từ người lớn….

- Nhiều người vẫn thường khuyên "một điều nhịn, chín điều lành" khi nạn nhân của bạo lực học đường "kêu cứu". Điều này có đúng không, thưa bà?

- Tôi cho rằng, lời dạy của các cụ luôn đúng, nhưng trong từng trường hợp. Có những trường hợp thì đúng là “một điều nhịn, chín điều lành”, để chỉ việc nhịn trong những trường hợp có thể tránh được những xung đột không cần thiết, nhưng là trong trường hợp điều nhịn đó không gây tổn hại đến bản thân. Tuy nhiên, khi sự việc có dấu hiệu sự việc đó có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm, khi nạn nhân đã kêu cứu, thì hoàn cảnh này cần phải dạy con học cách lên tiếng, tự bảo vệ mình trước tiên.

Vấn đề của phụ huynh và cả nhà trường, là thiếu sự thấu hiểu, nên không biết trường hợp nào phù hợp với nhường nhịn, trường hợp nào lại cần phải đứng lên tự bảo vệ mình.

- Giải pháp để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường là gì, thưa bà?

- Theo tôi, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn bạo lực học đường. Trẻ em cần được dạy dỗ cách tự phòng vệ, việc không thể dùng bạo lực để bắt nạt bạn bè, việc thấu hiểu và đồng cảm với người khác. Điều này cần bắt đầu từ gia đình, sau đó mới tới nhà trường và xã hội.

Lớp học – trường học là nơi dễ va chạm của rất nhiều cá tính, môi trường sống, dễ xảy ra những mâu thuẫn. Do đó, thầy cô và nhà trường cần có sự nhạy cảm, sự quan sát để định hướng và giáo dục các em học sinh. Cần điều chỉnh những nhận thức và hành vi lệch lạc, những mâu thuẫn hoặc những vấn đề xung đột khi nó mới nảy sinh.

Khi các em học sinh đã kêu cứu, nhất thiết nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp khẩn trương và quán triệt để hỗ trợ, tuỳ mức độ và sự đe dọa đến thể chất và tinh thần của các em mà có sự hỗ trợ phù hợp. Nếu nhà trường có sự phối hợp chậm trễ, thì gia đình cần có sự chủ động trong bảo vệ con em mình.

Về phía xã hội, tôi nghĩ cần có những sự tuyên truyền, giáo dục, thậm chí những sự hỗ trợ cụ thể từ các lực lượng chức năng, từ những người xung quanh để khi nạn nhân bạo lực học đường kêu cứu sẽ được hỗ trợ kịp thời. Một vấn đề dù lớn tới đâu, nếu có sự chung tay từ nhiều nguồn lực, đều có thể xử lý và giải quyết được.

- Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn