MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạo lực học đường đang dần trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh khi đến trường. Ảnh chụp màn hình

Bạo lực học đường len lỏi lên vùng cao Tây Bắc

Khánh Linh LDO | 22/11/2023 07:29

Không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, bạo lực học đường đang ngày càng len lỏi vào các trường học ở vùng cao Tây Bắc và trở thành nỗi ám ảnh cho cả phụ huynh và học sinh.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường

Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội và gây ra nỗi ám ảnh cho những học sinh là nạn nhân của các vụ bạo lực nói trên.

Cụ thể, từ cuối năm 2022 đến tháng 3.2023, em K.V.G.B (học sinh lớp 7 trường Xuân An, huyện Yên Lập, Phú Thọ) thường xuyên bị nhóm bạn cùng trường bắt nạt, đe dọa.

Tại bản tường trình, một trong các học sinh tham gia bắt nạt B thừa nhận nhóm này nhiều lần đánh và có sử dụng cả các vật dụng khác để đánh như ống điếu, cây bê tông...

Đến ngày 8.3, em B phải đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập khám với triệu chứng khó thở, tức ngực, buồn nôn, đau đầu…

Tiếp đó, vào tối 6.5, mạng xã hội lan truyền đoạn clip 40 giây về việc học sinh Trường TH&THCS An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đánh nhau, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Không chỉ đánh bạn ở trong trường, nhiều nhóm học sinh còn hẹn nhau đến những nơi hoang vắng để giải quyết mâu thuẫn. Ảnh chụp màn hình

Theo nội dung clip, 2 học sinh mâu thuẫn, giằng co nhau, thậm chí là đánh nhau trong lớp. Tuy nhiên, các bạn học không ai can ngăn mà còn cổ vũ; thậm chí nhiều bạn cũng nhào đến đánh bạn tới tấp.

Đầu tháng 8.2023, một nhóm nữ sinh lớp 8 của trường THCS Tứ Mỹ (xã Lam Sơn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) cũng dùng mũ bảo hiểm, dép đánh liên tiếp vào đầu, lưng của một nữ sinh khác. Dù nữ học sinh bị đánh đã nằm xuống bất động, nhưng 2 nữ học sinh này vẫn không ngừng đánh.

Ngay sau khi đánh nhau, nhóm nữ sinh còn quay clip đăng lên mạng xã hội Facebook để câu like.

Mới đây nhất, ngày 16.10, trong giờ ra chơi tiết 2, do có xích mích với bạn học, em H.V.D, học sinh lớp 10B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu (Hòa Bình) bị một nhóm nam sinh cùng trường dùng tay, chân đấm, đá vào vùng mặt và cơ thể, gây thương tích.

Bạo lực học đường "nóng" nghị trường Quốc hội

Điểm chung của những vụ bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, do tâm sinh lý tuổi mới lớn, dễ bị cảm xúc chi phối, không kiềm chế được bản thân nên những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề.

Sáng 8.11, vấn đề này được đề cập tới trong phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bạo lực học đường đã để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của nhiều học sinh. Ảnh: Báo Phú Thọ

Tại buổi chất vấn, vấn đề được nhiều đại biểu trao đổi, đưa ra một số thông tin và nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nội dung này.

Theo các đại biểu, tình trạng bạo lực học đường là vấn đề đáng lo ngại. Bình quân mỗi năm học, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường.

Cứ 5.200 học sinh có 1 học sinh đánh nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để xử lý nhưng BLHĐ vẫn xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ ngày 1.9.2021 - 5.11.2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ.

Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến việc này chủ yếu do tâm sinh lý của học sinh đang trong tuổi trưởng thành. Một số khác do học sinh sống trong môi trường gia đình có bố mẹ ly hôn, nhiều vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình.

Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Theo nhiều đại biểu, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này, cần nhiều hơn nữa những sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để dạy dỗ, giáo dục học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn