MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bạo lực học đường - trách nhiệm thuộc về ai?

KHÁNH AN LDO | 09/02/2023 19:17
Bạo lực học đường khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng về sự an toàn của các con khi đến trường, nơi mà đáng lẽ ra các con phải được học tập và vui chơi trong sự an toàn.

Theo số liệu khảo sát gần đây, mỗi năm có hơn 2.000 vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước. 80% học sinh được khảo sát nói rằng mình đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường ít nhất 1 lần. 70% trong số đó bị bạo lực trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Vụ việc gần nhất vào ngày 25.1.2023 khi hai nhóm học sinh Trường THCS Biên Giang và Trường THCS Chúc Sơn (Hà Nội) mang hung khí đánh nhau khiến một học sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não mở. Điều này cho thấy bạo lực học đường thực sự là một vấn đề nhức nhối và nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn sớm có thể dẫn đến nhiều hành vi phạm tội ở trẻ vị thành niên.

Buổi chia sẻ của VietFuture về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp    

Bạo lực học đường không chỉ là những bạo lực về mặt thể xác mà còn nhiều hình thức ở mức độ lớn hơn như bạo lực cảm xúc (tẩy chay, kỳ thị…), bạo lực tư duy (xúc phạm, lăng mạ, chỉ trích trước nhiều người…), bạo lực tinh thần (đe dọa, khủng bố tinh thần…), bạo lực tình dục (trêu ghẹo, quấy rối tình dục…). Nhiều học sinh thậm chí không nhận ra rằng mình đang là nạn nhân của bạo lực học đường và chỉ biết cam chịu, không dám chia sẻ với bố mẹ và thầy cô.

"Tại sao bạo lực học đường không phải vấn đề mới, nhưng đã và đang trở thành vấn nạn, dai dẳng và gây tổn thương rất lớn tới tâm lý, sức khỏe của học sinh. Trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cơ quan ban ngành như thế nào trong việc này?" - đó là những câu hỏi được đưa ra mà vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi gây ra vấn nạn này đến từ việc gia đình và nhà trường chưa thực sự sát sao, quan tâm và chú trọng đến việc giáo dục tâm lý học đường và văn hóa ứng xử cho con trẻ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách tư duy và lối suy nghĩ lệch lạc của trẻ, các con không được định hướng thái độ sống đúng đắn dẫn đến việc sinh ra hành vi không chuẩn mực.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Công Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty VietFuture. Ảnh: Nhân vật cung cấp  

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Công Bình - Phó Tổng giám đốc công ty VietFuture, tuổi học sinh là độ tuổi có nhiều năng lượng, các em cần có những không gian vận động, tương tác lẫn nhau để giải phóng những cảm xúc tích tụ bên trong. Đáng tiếc là ngày nay, nhiều trường học tại các thành phố lớn không đủ không gian cho các em vui chơi giữa các tiết học.

Đi cùng với đó là sự quan tâm không đầy đủ của một số bậc phụ huynh khi ưu tiên học văn hóa hơn là việc lắng nghe, chia sẻ và giáo dục nhân cách cho con. Giáo dục nhân cách không thể bằng những lý thuyết và lời khuyên răn một cách sáo rỗng mà phải bằng những tình huống trải nghiệm thực tế, tương tác giữa các con với nhau.

"Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT, việc tăng cường hoạt động trải nghiệm trong trường học đã được các trường đưa vào giảng dạy trên cả nước. Chúng tôi cũng đã phối hợp với một số trường để tổ chức những tiết học về thái độ sống – kỹ năng sống nhằm giúp các con nâng cao đạo đức, lối sống tích cực, lành mạnh.

Điều này đã mang lại những chuyển biến rất rõ rệt. Thái độ sống tích cực giúp các con cân bằng và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, biết xử lý những mâu thuẫn, xung đột không đáng có" - vị chuyên gia nói. 

Môi trường học tập và chất lượng giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và quyết định hành vi của con trẻ. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, cần lắm chuyển biến tích cực về công tác tư vấn, giáo dục tâm lý học đường của nhà trường cộng hưởng với những giải pháp quyết liệt từ gia đình và xã hội để có thể ngăn “cơn sóng” bạo lực đang trỗi dậy mạnh mẽ ở lứa tuổi học trò. 

Ông Bình cho hay, không thể đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm cho nhà trường và các thầy cô mà cần sự tham gia sát sao của các bậc cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội nhằm tuyên truyền, giáo dục về nhân cách đạo đức và lối sống lành mạnh cho các em. Có như vậy mới có thể phòng trước và ngăn không cho bạo lực học đường xảy ra hơn là đợi sự việc xảy ra rồi mới tìm cách xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn