MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo mẫu đè ngửa trẻ ra để cho ăn.

Bảo mẫu bạo hành trẻ dã man ở Đà Nẵng: Phản khoa học, phản giáo dục, dã man...

Đặng Chung LDO | 23/05/2018 10:56
“Đánh để trẻ chịu ăn cháo” – đây là lời bao biện của bà Đinh Thị Hồng (SN 1972) - chủ nhóm lớp độc lập tư thục Mẹ Mười ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, khi bị cả xã hội lên án về hành vi bạo hành trẻ dã man. 

Nhiều người đặt câu hỏi: Từ bao giờ và trường lớp nào đã dạy bà Hồng đánh đập trẻ là phương pháp để giúp bé chịu ăn, chịu học?

Ngày 21.5, mạng xã hội bắt đầu lan truyền nhiều hình ảnh và clip ghi lại hình ảnh một giáo viên mầm non bắt 2 bé trai cởi trần nằm ngửa dưới sàn nhà, liên tục đổ thức ăn vào miệng. Khi bé trai này khóc, người phụ nữ quăng chiếc khăn phủ lên mặt bé và đánh bôm bốp vào mặt.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hình ảnh người phụ nữ này xách một bé khác khoảng hơn 1 tuổi lên cao bằng tư thế một tay cầm phía sau đầu, một tay bịt trước mặt bé. Ngoài ra, cũng chính người này còn có nhiều cách cho ăn hết sức dã man, như đè ngửa đầu, dùng chân mình ghì chặt chân các bé lại, bắt nằm ngửa ra sàn để đút thức ăn.

 Cách chăm trẻ "có một không hai" của bảo mẫu Hồng. Ảnh cắt từ clip

Phản khoa học, phản giáo dục, dã man… là những lời nhiều người thốt lên khi xem những clip  bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non ở Đà Nẵng. Một người bình thường cũng biết ăn uống phải ngồi đúng tư thế, thoải mái, vậy mà một người đã qua đào tạo (tại cơ quan công an, bà Hồng khai mình có bằng Cao đẳng Sư phạm-PV) lại đè ngửa trẻ ra để bắt chúng ăn.

Bữa cơm của trẻ chan nước mắt, khi bị đánh, đá, càng gào khóc lại càng bị nhét thức ăn vào miệng. Bà Hồng thật liều lĩnh và bất chấp khi có “phương pháp chăm trẻ” như vậy. Việc nằm ăn và gào khóc khiến trẻ có nguy cơ rất cao bị sặc thức ăn lên mũi hoặc bị hóc thức ăn, có thể dẫn đến hậu họa khôn lường.

“Tôi hoài nghi về bằng sư phạm của người chăm trẻ này. Không biết bà ấy được đào tạo ở đâu mà không có tí kiến thức nào về việc chăm sóc trẻ em, chứ chưa nói đến việc dạy dỗ. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần làm rõ điều này” – phụ huynh Nguyễn Thị Lý (thôn Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) - chia sẻ.

Nhìn từ việc xảy ra liên tiếp những vụ bạo hành học sinh xảy ra thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đặt ra vấn đề cần xem lại cách thức đào tạo sinh viên sư phạm, nhất là sư phạm mầm non hiện nay.

Ông cho rằng, các trường sư phạm còn đào tạo quá nặng về lý thuyết, nên giáo sinh khi ra thực tế đều kém về khả năng thực hành, xử lý tình huống sư phạm, khi gặp áp lực chỉ biết trút giận lên đầu trẻ. Việc này là đặc biệt nguy hiểm bởi nếu trẻ bị bạo hành trong 1 thời gian dài sẽ dẫn đến trầm cảm, tự kỷ, mắc các hội chứng về thần kinh...

Là người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt đối tượng trẻ mầm non, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng kiến nghị cần có chính sách chăm sóc đặc biệt cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt con công nhân, người thu nhập thấp.  Bởi những vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra thời gian qua phần lớn rơi vào nhóm lớp mầm non lẻ tẻ nhằm phục vụ nhu cầu gửi con của đông đảo tầng lớp nhân dân. Trong khi những nhóm lớp này đang bị thả nổi về chất lượng, cấp phép dễ dãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn