MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất an tình trạng đua nhau học giả kiếm chứng chỉ ngoại ngữ thật

Nhóm PV LDO | 28/12/2022 17:26

Nêu quan điểm sau loạt bài “Bát nháo thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam" của Báo Lao Động, nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh chia sẻ sự bức xúc trước tình trạng gian lận trong thi cử diễn ra rầm rộ và ngày càng tinh vi.

Dư luận bức xúc

Sau khi thâm nhập các lò ôn thi "bao đỗ" chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam, phóng viên báo Lao Động đã chỉ ra thực tế, nhiều đơn vị núp dưới vỏ bọc lớp luyện thi cấp tốc nhưng thực chất là bán đề thi, đáp án chứng chỉ tiếng Anh. Nhiều sinh viên không có kiến thức nhưng vẫn thi và đạt chứng chỉ tiếng Anh Aptis với điểm cao ngất ngưởng nhờ kỹ năng học thuộc đáp án cho trước.

Bày tỏ sự bức xúc trước vấn đề trên, cô Vân Anh - giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội cho rằng, mua bán đề, chứng chỉ ngoại ngữ là vấn nạn và cần xử lý nghiêm vì gây thiếu công bằng đối với người học thật, thi thật. Hậu quả xấu hơn là giảm sút chất lượng giáo dục nghiêm trọng.

“Trong công cuộc hội nhập toàn cầu, việc sử dụng ngoại ngữ để trao đổi và làm việc rất cần thiết. Các kỳ thi, chứng chỉ ngoại ngữ là một thang đo về trình độ của mỗi người, làm tăng tính cạnh tranh trong học tập và công việc. Nhờ đó mọi người cố gắng để nâng cao trình độ" - cô Vân Anh nói.

Giáo viên này cho rằng, hiện nay có nhiều người chạy theo thành tích và đi “đường tắt" để đạt được kết quả theo mong muốn. Điều này dẫn đến hệ lụy - một môi trường giáo dục hoặc làm việc có những tấm bằng giả sẽ không thể phát triển. Những người sở hữu kết quả thật nhưng kỹ năng giả sẽ bị đào thải theo thời gian bởi họ không có kiến thức và kỹ năng chuyên môn. 

Nhiều đơn vị núp dưới vỏ bọc lớp luyện thi cấp tốc nhưng thực chất là bán đề thi, đáp án chứng chỉ tiếng Anh. Ảnh: PV

Đồng quan điểm, chị Tuệ Dung - phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho biết, hiện nay việc chạy đua lấy thành tích, bằng cấp ngày càng phổ biến. Việc gian lận thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh và phụ huynh.

"Tất cả những vấn đề gian lận trong thi cử đều gây hậu quả xấu cho nền giáo dục nước nhà. Việc "học giả" kiếm chứng chỉ ngoại ngữ thật khiến chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống. Học sinh, sinh viên không cần nỗ lực mà vẫn ung dung cầm tấm bằng trong tay, điều này ảnh hưởng tới những bạn trẻ học và thi thật" - chị  Dung lo lắng.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý

Tiếp nhận loạt bài phản ánh của báo Lao Động về việc "học giả" có chứng chỉ thật, Vũ Hương Giang - sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên buồn bã cho rằng, hành vi “học giả" không những gây bất lợi cho việc đánh giá năng lực chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới những người học chân chính và thế hệ sau này.

Nữ sinh cho biết, học ngoại ngữ là cả một quá trình đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc. Nó không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi ý chí và sự kiên trì của người học. Để có được kết quả, mỗi ngày Giang phải bỏ ra 6 tiếng cho việc học tiếng Anh.

“Em biết những giảng viên để đạt IELTS 8.0 phải dành thời gian 12 tiếng/ngày để học. Nói vậy để thấy cả quá trình cần sự đầu tư và cố gắng rất nhiều. Sự công bằng trong học tập, thi cử là vấn đề quan trọng để đánh giá được năng lực thực sự của người học. Việc mua đề, mua bằng sẽ không đảm bảo được sự công bằng, làm cho người học chân chính cảm thấy chán nản và lo lắng" - Giang nói.

Nữ sinh mong mỏi những đơn vị tổ chức thi sẽ tổ chức nghiêm ngặt, chặt chẽ kỳ thi, đảm bảo đánh giá đúng được năng lực của người học. Đồng thời, Bộ GDĐT cần quản lý sát sao để kết quả các kỳ thi đánh giá được chính xác khả năng của từng thí sinh.

Nhiều học viên tham gia các lớp ôn thi “bao đỗ” chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ảnh: PV

Khẳng định tình trạng bát nháo thi chứng chỉ ngoại ngữ là vấn nạn gây hoang mang dư luận, cô Trương Sinh - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý để ngăn chặn tình trạng này.

"Các cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều chế tài xử lý nghiêm minh với những đối tượng gian lận trong thi cử. Để tạo sự an tâm cho phụ huynh và thí sinh, cần xử lý các đơn vị có hành vi gian lận và tước bằng, cấm thi vĩnh viễn với những người mua đáp án để có chứng chỉ, bằng cấp” - vị giáo viên này đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn