MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tư duy học để thi, phải học toàn diện các môn làm tăng áp lực lên học sinh. Ảnh minh họa: T.L

"Bắt học sinh phải học giỏi toàn diện là quan niệm giáo dục sai lầm"

Bích Hà LDO | 13/10/2018 09:00
“Chúng ta vẫn còn giữ quan niệm phải giáo dục học sinh trở thành con người toàn diện, tức là đào tạo một cá nhân trăm thứ đều hay, việc gì cũng biết. Thực ra điều này là phản khoa học” - ông Nguyễn Sóng Hiền – đang là nghiên cứu sinh giáo dục tại Đại học Newcastle (Australia) - thẳng thắn.

Bắt học sinh giỏi toàn diện là phi thực tế

Những ngày qua, việc Hà Nội “chốt” phương án thi vào lớp 10 (từ thi 2 môn sang 4 môn và giữ bí mật môn thi thứ tư) đã khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Trong khi cơ quan quản lý giáo dục cho rằng việc thi thêm môn được xem là cách để hướng học sinh phải học toàn diện, nhưng phụ huynh lại cho rằng cách làm này là không cần thiết.

Nhà văn Tâm An (tác giả cuốn sách “Yêu như là sống”) cho rằng: “Trẻ con không bắt buộc phải học giỏi toàn diện, nó có thể học kém môn này và học giỏi môn khác. Sau này ra đời nó sẽ sống bằng cái nghề nó giỏi, chứ không phải sống nhờ cái môn nó học dốt ở trường”.

Gia đình chị Tâm An hiện đang sống ở Thụy Sĩ và hệ thống trường học ở đó không hề gây áp lực cho con chị khi bé học kém Toán. Ngược lại, cô giáo chủ nhiệm và nhà trường lại phát hiện ra khả năng diễn xuất của bé và tạo điều kiện hết sức để bé phát triển tài năng này. Giờ thì bé đã bắt đầu có những hợp đồng đóng phim đầu tiên.

Còn tại Việt Nam, giáo dục bị ảnh hưởng bởi quan niệm “học để thi”, “học để trở thành con người phát triển toàn diện”. Trong khi thực tế, rất ít người có khả năng để học giỏi toàn diện, thường mỗi người chỉ trội ở một số lĩnh vực.

Không nên áp dụng mô hình “giáo dục đồng phục”

Có cơ hội sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia), chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền đã có sự trải nghiệm và cảm nhận rõ sự khác biệt trong tư duy về giáo dục của Việt Nam và các nước.

 Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền.

“Đối với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, học sinh ở độ tuổi 15, bước vào cấp ba là giai đoạn phân hoá nghề nghiệp theo năng lực và sở thích cụ thể của các em.

Hệ thống trường trung học cũng được thiết kế theo các lĩnh vực mà các em có thể lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích. Còn tại Việt Nam vẫn áp dụng mô hình giáo dục đào tạo theo kiểu rập khuôn.

Ngay ở vấn đề chọn môn thi vào lớp 10 hiện nay của Hà Nội, chúng ta vẫn còn giữ quan niệm giáo dục sai lầm rằng phải phát triển các em trở thành con người toàn diện, mô tuýp của những bậc thánh nhân xưa. Tức là đào tạo một cá nhân trăm thứ đều hay, việc gì cũng biết nhưng điều này lại phản khoa học” - Thạc sĩ Hiền chia sẻ.

Lý do đưa ra nhận định này, thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh: “Thực chất mỗi cá nhân chỉ có thể có năng lực ở một vài lĩnh vực nhất định và thêm vào đó không phải tất cả các em đều giống nhau. Vì vậy không thể và không bao giờ chỉ có một mô hình giáo dục cho tất cả.

Một nền giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra những cá nhân toàn diện mà nó phải cung cấp các cơ hội để có thể phát triển toàn diện các năng lực của mỗi học sinh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn