MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham gia học tập theo mô hình VNEN. Ảnh: Huyên Nguyễn

Bất ngờ với đánh giá mô hình VNEN của Ngân hàng Thế giới

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/09/2017 07:33
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam. Theo đó, WB có cái nhìn tích cực đối với mô hình gây nhiều tranh cãi này.

Công bố của WB cho thấy, lợi thế của VNEN trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản lý thời gian và giữ lời hứa.

Học sinh VNEN cũng có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ, quan tâm tới anh chị em, bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.

Bên cạnh đó, học sinh học theo mô hình VNEN phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp.

Mô hình VNEN cũng cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh. Điều này thể hiện qua năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật và thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng.

Đặc biệt, học sinh VNEN trong nhóm dưới có kết quả tốt hơn hẳn. Đây là một phát hiện quan trọng vì những học sinh này thường đến từ các nhóm chịu thiệt thòi và cũng thường là mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách giáo dục.

Điểm thi của môn tiếng Việt và toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống.

 

Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn. Tuy nhiên, học sinh VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu - 18 tháng sau khi bắt đầu dự án. Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần lại trong 2 năm sau.

Theo báo cáo, phân tích video cho thấy học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau như thế nào. Các em học sinh có các hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, cũng như có thêm các cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể…

Một số thách thức cho việc thực hiện VNEN được WB đưa ra bao gồm sự bảo thủ trong quan điểm truyền thống ở một số giáo viên, trình độ tiếng Việt còn hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và tình trạng thiếu khả năng ở một số cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ học tập cho con cái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn