MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất thường điểm thi ở Hà Giang: 'Tìm chứng cứ gian dối vô cùng khó"

HUYÊN NGUYỄN THỰC HIỆN LDO | 13/07/2018 19:30

Đó là nhận định của ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Vĩnh, nếu hội đồng “bắt tay” với nhau thì việc tìm chứng cứ gian dối là vô cùng khó. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thì chắc chắn vẫn sẽ tìm ra “thủ phạm”.

Thưa ông Lê Đức Vĩnh, ông đánh giá như thế nào về những bất thường điểm thi THPT quốc gia của tỉnh Hà Giang?

- Qua số liệu thống kê của báo chí, được biết, cả nước có 76 thí sinh thi khối A1 (Toán-Văn-Tiếng Anh) đạt 27 điểm trở lên trong đó Hà Giang có 36 em. Với con mắt của một người dạy Thống kê và xử lý số liệu trong nhiều năm, tôi có thể khẳng định rằng việc chấm thi trắc nghiệm tại Hà Giang là có vấn đề.

Mọi người đều biết, Hà Giang là một tỉnh biên giới nghèo, khó khăn vào loại bậc nhất trong cả nước về mọi mặt, trong đó giáo dục không là ngoại lệ. Theo ước đoán của tôi, xếp hạng chất lượng giáo dục của Hà Giang vào khoảng từ 55 tới 63. Vậy mà tỉ lệ số thí sinh khối A1 đạt 27 điểm trở lên của Hà Giang so với số thí sinh cùng loại trong cả nước là 46,27%, một con số cực kỳ phi lý.

Tôi cũng có linh cảm rằng sự bất thường trong chấm thi không chỉ xuất hiện ở Hà Giang.

Dư luận luôn tin tưởng rằng việc chấm thi trắc nghiệm là khách quan, trung thực nhất. Vậy tại sao lại xảy ra nghi vấn như thế này, thưa ông?

- Tôi cho rằng điều này là ngược lại, chấm thi trắc nghiệm dễ gian trá hơn thi tự luận. Trong một bài viết gần đây, tôi đã nói tới lỗ hổng của việc chấm thi trắc nghiệm. Nhiều vị quan chức giáo dục cho rằng việc chấm thi trắc nghiệm do máy chấm nên sự gian trá là không có. Xin hỏi các vị, nếu nhân viên máy tính thông đồng với cảnh sát, thư ký hội đồng chấm thi cùng nhau sửa bài rồi mới đưa vào máy quét, điều này liệu có xảy ra hay không?

Nếu những người điều hành nền giáo dục, đặt cao sự trung thực trong giáo dục thì nên cho điều tra những điểm số dị thường trong kỳ thi năm nay ở một số hội đồng thi có kết quả bất thường chẳng hạn như Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ, Bạc Liêu và một số tỉnh khác.

Chẳng hạn như Hà Nội – trung tâm của sự phát triển với thành tích học sinh giỏi trong nước và quốc tế luôn dẫn đầu - vậy mà, kết quả thi và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp còn thấp hơn một số tỉnh miền núi phía Bắc. Điểm thi của Hà Nội xếp thứ 26/63, không có thí sinh đạt điểm 10, chỉ có 1 số ít thí sinh có thể “chen chân” vào bảng xếp hạng điểm thi cả nước. Điều này có phải Hà Nội học kém hay có sự bất thường ở đây?

Điểm từ 9 trở lên của Hà Giang vượt trội so với Hà Nội, TP.HCM và trung bình của cả nước, trong khi tỉnh này thuộc nhóm có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất. Theo: Zing.vn

Theo ông, tìm ra nguyên nhân của sự bất thường có là một việc dễ dàng?

- Việc này là cực kỳ khó bởi việc tìm chứng cứ gian trá trong chấm thi trắc nghiệm ở ta khó ngang với việc tìm nhiều trăm nghìn tỷ đồng ngân khố chạy đi đâu khi 19 "quả đấm thép" thi nhau tan chảy. Nếu như thi tự luận, với các bút tích trên bài thi có thể dễ dàng nhận ra người gian lận, nhưng với thi trắc nghiệm thì chỉ cần dùng tẩy xoá vết bút chì đi và tô đè đáp án khác lên.

Khó là vậy nhưng nếu ngành giáo dục không làm điều này đồng nghĩa với việc ngành cổ xuý cho sự gian dối. Tôi tin rằng, nếu có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GDĐT, cơ quan điều tra thì chắc chắn sẽ tìm được ra “thủ phạm” của sự dối trá này.

Tôi cũng kêu gọi các em học sinh có điểm thi cao mà không phải thực lực hãy là người lên tiếng trong sự việc này. Việc gian dối này (nếu có), lỗi không phải ở các em mà là ở người lớn. Vì thế, hãy mạnh dạn lên tiếng để tìm lại lẽ phải, sự công bằng, minh bạch. Đừng đánh mất nhân cách của chính mình bằng việc chấp nhận cái sai có thể không hẳn do các em tạo ra. Nếu chấp thuận, đây là nỗi đau đeo bám các em suốt cả đời người. 

Xin cám ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn