MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị bắt nạt trực tuyến: Học sinh đốt trường, cắt tay để giảm cân

HUYÊN NGUYỄN LDO | 02/01/2019 19:49

Cứ 10 học sinh thì có 3 đến 4 em bị bắt nạt trực tuyến. Hành vi trên không gian ảo nhưng đang để lại những hậu quả khôn lường. Thậm chí khi bị bắt nạt trực tuyến, học sinh dẫn đến hành vi mang xăng đến đốt trường, rạch tay, tự làm mất máu.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học: “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” diễn ra ngày 2.1 tại Hà Nội.

TS Trần Văn Công – ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và các cộng sự nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như là nạn nhân, chỉ là thủ phạm, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.

 

PGS-TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục cho biết, điều đáng lo ngại là số học sinh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm bắt nạt đang ngày càng tăng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân học sinh đi bắt nạt trực tuyến. Chẳng hạn như, bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó, gây chú ý; trả thù lại bạn. Đáng chú ý, một nguyên nhân học sinh bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là “chỉ là trêu đùa cho vui”.

Ông Nam cho biết bắt nạt trực tuyến để lại hậu quả rất lớn. TS Nam ví dụ khi đưa ra một nạn nhân của bắt nạt trực tuyến khi có hình thể không được hấp dẫn. Từ những lời bình phẩm của bạn bè trêu đùa trên mạng khiến em bắt đầu có suy nghĩ. Em đó nghĩ cách ăn kiêng, sau đó bắt đầu móc họng khi ăn. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và phải đưa em đến bác sĩ tâm lý để điều trị.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: HN

TS Hoàng Gia Trang dẫn chứng thêm, dù đã xảy ra vài năm nhưng người dân xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) hẳng còn xót xa trước cái chết đầy tức tưởi, oan uổng của nữ sinh vừa học hết lớp 12 đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Câu chuyện xuất phát từ việc một số bạn nam trong lớp ghép ảnh chân dung vào hình linh tinh rồi đưa lên mạng facebook nên cả lớp cùng xem được. Thấy vậy, một số bạn đã trêu đùa, chọc ghẹo. Khi L. phản ứng lại thì bị bạn thách thức mua thuốc bả chuột, thuốc diệt cỏ để tự tử.

Một tình huống khác là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Khánh Hòa) vướng tai nạn khi châm lửa đốt trường. Nữ sinh này từng đăng lên Facebook rằng nếu đủ 1.000 like (thích) sẽ tới đốt trường với mục đích gây sự chú ý. Khi đủ 1.000 like, bạn bè trên Facebook đã ép em đốt trường nếu không sẽ bị đánh. Hành động dại dột đốt trường này khiến em bị bỏng hai chân, phải nhập viện. Cũng có nữ sinh tại Thái Nguyên bị tung ảnh cắt ghép, chế nhạo ngoại hình dẫn đến tự ti, không muốn đến lớp hay tiếp xúc với ai.

Theo TS Giang, trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam đã có rất nhiều những trường hợp đau lòng xảy ra do bị bắt nạt trên mạnh, thậm chí, có trường hợp học sinh còn tự tử, nhưng dường như nhiều phụ huynh, nhà trường chưa quan tâm đến vấn đề này. Đây chính là một khoảng trống trong giáo dục tâm lí cho học sinh tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn