MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tâm lý chung của giáo viên là muốn ổn định công việc để yên tâm cống hiến. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Bị điều động, giáo viên rơi nước mắt trước thềm năm học mới

QUANG ĐẠI LDO | 10/08/2023 07:16

Nhiều giáo viên băn khoăn, bức xúc, nhiều người đã rơi nước mắt vì bị luân chuyển, điều động đến các trường xa xôi, khó khăn hơn trước thềm năm học mới.

Giáo viên bật khóc vì bị luân chuyển

Ngày 10.8, cô N.T.H - giáo viên tiểu học tại một huyện miền núi ở Hà Tĩnh cho biết mặc dù chưa họp bàn từ tổ chuyên môn, chưa trao đổi và làm công tác tư tưởng nhưng lãnh đạo nhà trường đã chỉ định năm học tới cô sẽ đi tăng cường ở một trường vùng xa, cách nhà 20km.

“Huyện đã có hướng dẫn quy định về tiêu chí, điều kiện điều động, luân chuyển giáo viên đi tăng cường các trường vùng sâu thiếu giáo viên. Theo đó thì tôi chưa đến lượt, trong khi có những giáo viên khác phải đi trước, nhưng không hiểu sao nhà trường lại chỉ định tôi”, cô N.T.H nói.

Được biết, hoàn cảnh cô N.T.H rất khó khăn, bố mẹ chồng già yếu, chồng công tác xa, con nhỏ. “Nếu buộc phải luân chuyển, tôi không biết phải xoay xở ra sao” – cô N.T.H nói và bật khóc.

Trường hợp cô N.T.H không phải là cá biệt. Trước thềm năm học mới, các cấp quản lý giáo dục ở nhiều địa phương thực hiện biệt phái, luân chuyển, điều động giáo viên.

Giáo viên mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tâm lý chung là không ai muốn đi xa, không muốn thay đổi, vất vả, tốn kém, môi trường mới bỡ ngỡ, không có điều kiện chăm lo gia đình. Nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn như mẹ đơn thân, chồng công tác xa, con nhỏ, bố mẹ đau yếu hoặc bản thân có bệnh...

“Các địa phương đều quy định trước hết phải dựa vào tinh thần xung phong, tự nguyện, sau đó mới tổ chức họp, bình xét công khai, dân chủ dựa trên các tiêu chí rõ ràng. Nhiều trường tiến hành thuận lợi nhưng có những trường cũng xảy ra tranh cãi, kiện cáo” – một cán bộ quản lý giáo dục tại Hà Tĩnh cho biết.

Do đó, nhiều giáo viên trong diện cử đi biệt phái, điều động có tâm lý băn khoăn, lo lắng. Một số người đã tìm cách nhờ vả để không phải điều động hoặc lùi thời gian điều động. Những tâm lý nói trên ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ nhà giáo trước thềm năm học mới.

Giải pháp tạm thời

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND một huyện tại Nghệ An cho biết: Do tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên và do yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước buộc phải biệt phái, luân chuyển, điều động giáo viên.

“Biết rằng việc biệt phái, luân chuyển, điều động giáo viên và cán bộ quản lý sẽ tác động đến tâm tư và đời sống của cán bộ, giáo viên, nhưng bên cạnh đó, việc làm này cũng phát huy tác dụng nhất định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục” – vị lãnh đạo nói trên cho biết.

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều địa phương đã xây dựng quy chế biệt phái, luân chuyển, điều động giáo viên với những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể, rõ ràng, phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, tổ chuyên môn cũng có nhiều sự động viên, hỗ trợ, ưu đãi đối với giáo viên biệt phái, luân chuyển.

Do đó, đã làm cho giáo viên đồng thuận, yên tâm, tin tưởng, nhiều trường hợp tự nguyện xung phong biệt phái, luân chuyển, góp phần giải bài toàn thừa thiếu giáo viên cục bộ cho ngành giáo dục.

“Việc biệt phái, luân chuyển, điều động giáo viên chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, ngành giáo dục và chính quyền địa phương cần có những giải pháp căn cơ giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ, để giáo viên an tâm công tác, “an cư lạc nghiệp” – thầy Lê Văn Vỵ, nguyên giáo viên trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn