MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GV công tác ở vùng cao hầu như không có thưởng Tết. Ảnh minh họa

Bi hài “thưởng” Tết giáo viên: Được giao chăn bẩn về…giặt

HẢI ĐĂNG LDO | 11/02/2018 11:56
Nhiều trường, giáo viên không có thưởng Tết, hoặc chỉ có tính chất “tượng trưng” vài chục nghìn đồng, ít quà bánh. Cá biệt có trường hợp giáo viên mầm non được nhà trường giao chăn bẩn về… giặt Tết.

Mỗi năm vào dịp cuối năm, chuyện thưởng Tết của giáo viên (GV) lại được đưa ra bàn luận, mổ xẻ ở nhiều góc độ. Các trường vào dịp cuối năm đều tìm cách tiết kiệm, thu xếp các chi tiêu để có một khoản thưởng Tết cho GV, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Cá biệt có trường hợp lên tới vài chục triệu đồng như một trường tư thục ở TPHCM. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất trích từ ngân sách để thưởng Tết cho tất cả GV.

Bên cạnh đó, nhiều trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các trường tư thục ít học sinh, GV không có thưởng Tết, hoặc chỉ vài chục nghìn đồng, ít quà bánh.

Cá biệt, có trường hợp GV một trường mầm non ở Nghệ An, phản ánh: “Dịp nghỉ Tết, nhà trường giao cho mỗi GV cả chục cái chăn của học sinh, “nhờ” về giặt giúp, để tiết kiệm kinh phí”.

Nhà giáo vốn cần kiệm, kham khổ đã quen, hiểu rõ điều kiện hoàn cảnh của trường, của ngành, nên cũng chấp nhận, không kêu ca.

Tuy nhiên, từ góc độ là một ngành nghề đặc thù, có vai trò quan trọng đối với thế hệ tương lai của đất nước mà để những nhà giáo có một cái Tết quá đạm bạc thì quả là rất trăn trở.

Với mức lương hành chính sự nghiệp, hầu như không có dư giả, lại không có thu nhập tăng thêm, không có thưởng tết, mức sống của nhà giáo không được nâng cao. Điều kiện, động lực làm việc, ý chí phấn đấu cũng giảm sút. Không ít GV làm việc theo kiểu đối phó, thiếu đam mê, nhiệt tình.

Mặt khác, sức hấp dẫn của ngành sư phạm ngày càng thấp. Mùa tuyển sinh mấy năm gần đây chứng kiến tình trạng đầu vào ngành này thấp đến mức thê thảm, thậm chí trung bình mỗi môn 3 điểm cũng có thể trúng tuyển. Hệ lụy là sau một thời gian nữa, GV giỏi sẽ ngày càng vắng bóng, không có thế hệ tài năng kế cận, là nguy cơ lớn.

Trong khi, theo quy luật, thế hệ GV sau phải giỏi hơn, tài năng hơn thế hệ trước, mới đảm bảo yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục.

Từ cách làm của TPHCM, cần nghiên cứu đề xuất quy định thưởng Tết cho GV, cũng như bảo đảm các chế độ chính sách để nâng cao mức sống GV, từ đó tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cũng như tăng sức hấp dẫn của ngành sư phạm.

Lúc đó, quy định các trường ĐH sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi mới thành hiện thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn