MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trà Giang LDO | 16/05/2023 19:36

Ngữ văn là môn duy nhất áp dụng hình thức thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đạt được điểm cao môn này, sĩ tử cần trang bị cho mình kĩ năng làm bài.

Bí kíp vàng đạt điểm cao môn Ngữ văn

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra. Trong kỳ thi này, Ngữ văn là môn duy nhất thí sinh sẽ làm bài theo hình thức tự luận. Điều này khiến không ít sĩ tử lo lắng bởi ngoài kiến thức sâu rộng, người thi còn cần kỹ năng trình bày.

Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn ôn thi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, tổ trưởng chuyên môn Văn - Sử - Địa, Trường THPT Yên Phong số 2 (Bắc Ninh) cho rằng, để đạt được điểm cao môn Ngữ văn không phải là điều quá khó. Điều quan trọng, thí sinh nắm vững kiến thức và trang bị những kỹ năng làm bài cho mình.

Cô Hoà cho rằng, có 3 kỹ năng quan trọng các em cần đặc biệt lưu ý trong quá trình làm bài thi môn Ngữ văn.

Thứ nhất, thí sinh cần đọc kỹ đề, tránh lối viết dài dòng, lan man dẫn đến lạc đề. Việc này giúp các em tiết kiệm thời gian và trả lời đúng trọng tâm, yêu cầu của đề thi. Đặc biệt là đối với phần đọc hiểu.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, tổ trưởng chuyên môn tổ Văn - Sử - Địa, Trường THPT Yên Phong số 2 (Bắc Ninh) chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm cao môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thứ hai, thí sinh cần phân bố thời gian một cách thật hợp lý trong quá trình làm bài.

“Đề thi môn Ngữ văn có 120 phút nên việc phân chia thời gian giúp bài làm hài hòa, cân đối. Cụ thể, với phần đọc hiểu, các em nên dành từ 15 - 20 phút. Với phần nghị luận xã hội, các em nên dành 20 - 30 phút. Và với phần nghị luận văn học, các em nên dành 70 - 80 phút” - cô Hoà nói.

Yếu tố thứ ba học sinh cần lưu ý là sự sáng tạo. Theo cô Hoà, sáng tạo là yếu tố quan trọng mà bất kỳ “cây viết” hay nào cũng cần có. Trong đó, đối với mỗi phần của đề thi, yêu cầu của sự sáng tạo cũng có phần khác nhau.

"Ở phần đọc hiểu, chúng ta cần nhớ yêu cầu là làm ngắn gọn, đúng trọng tâm. Sang phần nghị luận xã hội, các em phải thể hiện sự sáng tạo ngay từ phần mở đoạn cho đến thân đoạn và kết đoạn.

Còn với phần nghị luận văn học, bên cạnh những cách sáng tạo tương tự như nghị luận xã hội vừa đề cập, thí sinh cần biết so sánh, đối chiếu, liên hệ và mở rộng với các tác phẩm văn học khác. Ví dụ, khi phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” thì sĩ tử có thể liên hệ với nhân vật Thị trong tác phẩm “Vợ nhặt” để thấy được điểm tương đồng của người phụ nữ khi đói khổ" - cô Hoà phân tích.

Những lưu ý quan trọng

Với nhiều năm giảng dạy và chấm thi, cô Nguyễn Thị Hòa chia sẻ, có rất nhiều trường hợp thí sinh bị mất điểm oan vì những sai lầm nhỏ. Do đó, ngoài việc nắm vững kiến thức, các em học sinh cần trang bị những kĩ năng làm bài để không bị mất điểm ở những lỗi sai không đáng có.

"Các em học sinh lưu ý, tuyệt đối không bỏ bất cứ một phần nào trong bài thi. Bởi khi chúng ta bỏ câu đồng nghĩa với việc chúng ta mất hoàn toàn cơ hội để có điểm ở phần đó" - cô Hoà nói.

Ngoài việc bám sát yêu cầu của đề, làm đúng trọng tâm; phân bổ thời gian làm bài hợp lí, theo cô Hoà, thí sinh cần dành thời gian đọc kỹ lại bài trước khi nộp. Điều này sẽ giúp các em giảm thiểu được những lỗi sai không nên có.

“Ngoài việc ôn thi, các em học sinh hãy giữ gìn sức khỏe, đủ bình tĩnh, tự tin, làm bài thi thật tốt, đạt kết quả thật cao và có mùa thi thắng lợi” – cô Hoà nhắn nhủ tới các em học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn