MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội không đồng tình việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục Đào tạo bằng ngân sách nhà nước. Ảnh: Bích Hà

Biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ GDĐT vừa lãng phí, vừa trở lại độc quyền

Nhóm PV LDO | 24/10/2023 16:41

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu quan điểm, việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Có cần bỏ ra trên dưới 400 tỉ đồng để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không?

Sau buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây, dư luận dấy lên nhiều tranh cãi. Theo đó, đoàn giám sát yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đoàn giám sát mong muốn cần có một bộ sách giáo khoa của Bộ GDĐT để giữ an toàn cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bởi giả sử các đơn vị xuất bản sách giáo khoa gặp vấn đề gì, liệu cả nền giáo dục phổ thông của nước ta có dừng lại để chờ các nhà xuất bản khắc phục vấn đề của họ xong rồi làm tiếp?

Tuy nhiên, phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ ngày 24.10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị nghiên cứu lại đề xuất yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Theo bà Thúy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả môn học.

Đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng đã lên hơn 1.200 tỉ đồng.

Do vậy, bà Thúy đặt vấn đề có cần bỏ ra trên dưới 400 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? Bởi, việc ra đời một bộ sách giáo khoa của bộ có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không? Đó là điều mà chúng ta cần cân nhắc.

Không phù hợp, gây lãng phí

Bà Thúy nêu rõ, qua xem xét báo cáo của Bộ GDĐT, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 122/2020 quy định: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".

Luật Giáo dục, ban hành sau Nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của bộ nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.

Do đó, bà Thúy cho rằng, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

"Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GDĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định" - bà Thúy nêu.

Bởi theo bà Thúy, cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi, nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn