MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trương Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương đang lấy ý kiến việc tính học phí theo khả năng chi trả của người dân

ĐÌNH TRỌNG LDO | 02/08/2023 11:20

Bình Dương - Ba năm liên tiếp, công việc của người lao động nhập cư rơi vào cảnh bấp bênh, thu nhập giảm sút, có trường hợp không đủ tiền cho con đến trường. Ngành chức năng Bình Dương đang lấy ý kiến tính học phí theo khả năng chi trả của người dân.

Tính học phí theo khả năng chi trả của người dân

Về học phí năm học mới, vừa qua, UBND tỉnh trình HĐND để ban hành quy định học phí năm 2023-2024. "Mức học phí theo đề xuất đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên vùng thành thị 300.000 đồng/học sinh/tháng (cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT); vùng nông thôn 100.000 đồng/học sinh/tháng (cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT)... So với năm học 2022-2023, đề xuất mức học phí năm học 2023-2024 không thay đổi" - UBND tỉnh Bình Dương cho biết.

Tuy nhiên sau đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo về học phí, sách giáo khoa cho năm học mới. Thủ tướng chỉ đạo là đề xuất các chính sách, lộ trình thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Theo bà Trương Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, căn cứ chỉ đạo trên, Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã có báo cáo thẩm định về việc xây dựng quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương đang lấy ý kiến về quy định học phí mới. Ảnh: Đình Trọng

"Hiện nay, Sở đang trong thời gian lấy ý kiến của các cơ quan đơn vị có liên quan nhằm tham mưu cho UBND trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về học phí. Chúng tôi cũng đề xuất nhóm đối tượng được hưởng chính sách học phí. Tức là phần học phí chênh lệch giữa mức học phí theo quy định và mức học phí thực tế học sinh phải đóng cho ngân sách nhà nước để đảm bảo chi thường xuyên cho các đơn vị giáo dục phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách của địa phương"- bà Trương Hải Thanh nói.

Theo bà Trương Hải Thanh, ngành giáo dục cũng đồng cảm việc thời điểm hiện nay, nhiều công nhân lao động đang bị mất việc khi không có đơn hàng.

Học phí theo đề xuất cao so với nhóm lao động nhập cư ở trọ

Theo chị Trần Thị Thanh (35 tuổi, quê Nghệ An, ngụ tại thị xã Bến Cát, Bình Dương), mức thu học phí năm học mới theo đề xuất vừa qua với người dân có nhà cửa ổn định ở Bình Dương thì vừa phải, với người khá giả là thấp. Tuy nhiên, với người lao động nhập cư còn phải đi ở trọ là cao.

"Việc tính chung mức thu ở thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng theo tôi là chưa hợp lý. Ở thành thị nhưng người đi ở trọ thì mức này là cao. Vậy nên cần có quy định cụ thể với từng đối tượng, đảm bảo chủ trương Nhà nước đang hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh khó khăn" - chị Thanh đề xuất.

Nhiều trẻ em là con lao động thất nghiệp có nguy cơ không được đến trường. Ảnh: Đình Trọng

Anh Lê Lộc (34 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ tại phường Bình Hòa, thành phố Thuận An) cho biết: "Tôi có con gái học lớp 4 và con trai lớp 2. Mỗi tháng, riêng tiền đóng học cho 2 con hết gần 4 triệu bao gồm cả phần học phí. Vì vậy, mỗi tháng chi trả 600.000 đồng học phí cho 2 con với tôi là khá cao. Nếu giảm được một phần tiền này thì chúng tôi đỡ khó khăn"- anh Lộc chia sẻ.

Khó khăn kéo dài, không trụ nổi, ngày 2.8, anh Trần Văn Tiên vừa phải đưa 4 con trở về quê. Ảnh: Đình Trọng

Người ở trọ khó khăn, con cái không được đến trường

Anh Trần Văn Tiên (36, quê Sóc Trăng) do thất nghiệp kéo dài, quá khó khăn, cả 4 con không được đến trường. "Tôi có 4 người con, lớn nhất 14 tuổi. Tình hình khó khăn quá, các cháu không được đi học. Tôi lo tiền ăn còn chưa đủ, lấy gì cho con đi học. Trụ hết nổi rồi, tôi vừa cùng vợ và 4 đứa con về quê"- anh Tiên chia sẻ.

Cháu nhỏ của bà Nhu không được đến trường. Ảnh: Đình Trọng

Trong khi đó, bà Thị Nhu (khoảng 60 tuổi, ở trọ tại cư xá Hưng Lợi 1, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) đi nhặt ve chai nuôi 2 cháu mồ côi (đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi), cả 2 cháu đều không được đến trường. "Tôi nhặt nhạnh ve chai chỉ lo đủ tiền ăn cho 2 đứa thôi, không có tiền đóng học phí cho các cháu đâu"- bà Nhu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn