MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng trong bữa ăn học đường. Ảnh: Bộ GDĐT

Bộ GDĐT kiến nghị xây dựng tiêu chuẩn về dinh dưỡng với bữa ăn học đường

Đặng Chung LDO | 06/03/2020 19:37

Để nâng cao tầm vóc, thể lực, đảm bảo sức khỏe của học sinh, sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường và các loại thực phẩm, đồ uống bày bán ở căng tin, trường học.

“Gánh nặng kép” về dinh dưỡng ở học sinh

Chiều 6.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết 1 năm  thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên".

Tại hội nghị, theo các chuyên gia dinh dưỡng, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép của tình trạng dinh dưỡng. 

Trong khi ở các vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn, bữa ăn trẻ em còn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng thì tại các đô thị, tình trạng ăn uống bất hợp lý đang trở thành phổ biến dẫn đến thừa cân. Việc này cũng làm gia tăng các bệnh do rối loạn chuyển hóa và bệnh mạn tính không lây như thừa cân, béo phì, tâm mạch, ung thư, đái tháo đường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do bữa ăn của trẻ, đặc biệt là bữa ăn học đường chưa được quan tâm đúng mức.

Từ những thực tế này, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên (Quyết định số 41/QĐ-TTg).

Các đại biểu đều cho rằng cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đề án đã bắt đúng vào vấn đề xã hội đang quan tâm, bởi không ai muốn con em mình thấp bé, còi nhẹ cân, hay béo phì.

Quan trọng hơn, việc chăm sóc trẻ em hôm nay sẽ thu được thành quả của thế hệ người Việt mấy chục năm sau. Để đề án thành công, không thể chỉ đến từ sự quyết tâm của một số bộ, ngành mà cần sự đồng hành của tất cả thầy cô giáo, toàn xã hội để thế hệ người Việt trước hết khỏe mạnh, nâng cao tầm vóc.

Cần thiết xây dựng tiêu chuẩn dinh dưỡng với bữa ăn học đường

Tổng kết 1 năm thực hiện Quyết định số 41, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề cho biết, ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ ngành, Tập đoàn TH xây dựng những mô hình điểm tại các vùng miền về việc thực hiện bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Theo bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, sau thời gian xây dựng mô hình thí điểm, bà mong có Hội đồng khoa học để đánh giá mô hình điểm, rút kinh nghiêm và đề xuất với Chính phủ ban hành quyết sách mạnh mẽ. Thời gian tới bà cũng tiếp tục kết hợp với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam để thí điểm chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt.

Còn về phía Bộ GDĐT, để nâng cao sức khỏe, tầm vóc học sinh, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đề án, quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ trong các nhà trường.  

Đặc biệt, Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường; tiêu chuẩn dinh dưỡng của các thực phẩm, đồ uống bán ở căng tin, trường học và quy định về thời gian hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên trong trường học phù hợp với lứa tuổi.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cần xây dựng thực đơn cho trẻ theo từng độ tuổi, để các trường học căn cứ vào đó triển khai trong bữa ăn bán trú của trẻ.

Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất này. Bởi hiện nay trường học nào cũng tổ chức bữa ăn bán trú, nhưng thực tế không biết ăn thế nào cho đúng, đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, các loại thức ăn bày bán ở gần trường học có rất nhiều dầu mỡ, nhiều khi không biết rõ nguồn gốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn