MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP.Đà Nẵng), Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

“Bộ GDĐT làm sách giáo khoa riêng là không cần thiết, gây lãng phí”

Chung Vương Nguyên LDO | 13/06/2020 17:45

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào ngày 13.6, các đại biểu Quốc hội thống nhất ủng hộ tiếp tục xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách.

Ủng hộ không dùng ngân sách biên soạn sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã đạt được một kết quả tích cực.

Cụ thể, Bộ GDĐT đã ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của nghị quyết. Bộ đã chỉ đạo tổ chức và thẩm định thành công 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 gồm các môn học bắt buộc và môn tự chọn tiếng Anh để sử dụng cho năm học 2020-2021.

Việc biên soạn hoàn toàn dựa trên nguồn vốn tự có của các đơn vị xuất bản, nên tiết kiệm một khoản không nhỏ cho ngân sách nhà nước trong việc biên soạn SGK mới. Kết quả này đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK.

“Việc Bộ GDĐT biên soạn thêm bộ SGK dùng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này là không cần thiết, vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tiêu diệt chủ trương xã hội hóa”- nữ đại biểu nhấn mạnh.

Từ đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK mới, đại biểu Thúy tán thành việc Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ là không tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Quốc hội giao Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng thế giới để sử dụng nguồn vốn vay được thiết kế để biên soạn SGK vào công việc khác hiệu quả hơn.

 Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Quốc hội

Đồng quan điểm với đại biểu Thúy, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đánh giá, việc có 5 bộ SGK lớp 1 của đầy đủ các môn học bắt buộc và 7 SGK môn tự chọn tiếng Anh được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt là thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.

“Tôi thống nhất rất cao việc Bộ GDĐT không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức biên soạn một bộ SGK nữa. Việc Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn SGK cũng góp phần hạn chế tình trạng độc quyền, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong biên soạn, xuất bản SGK” - đại biểu Thanh nói.

Xây dựng cơ chế giá cho sách giáo khoa mới

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Bộ GDĐT trong thời gian tới tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng các bộ SGK, thông qua hoạt động của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Ngoài ra, Bộ GDĐT nên xây dựng và tính toán cơ chế về giá để đảm bảo giá SGK phù hợp với mức chi tiêu của người dân. Hiện nay thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, mặt hàng này đang do nhà xuất bản kê giá và báo cáo với Bộ Tài chính.

“Tôi đề nghị Chính phủ và Bộ GDĐT có biện pháp quản lý tốt hơn, để làm sao tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận với bộ SGK tốt nhất. Đồng thời chỉ đạo việc cung cấp hỗ trợ SGK cho các trường, thư viện khu vực khó khăn, hỗ trợ SGK cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, nữ đại biểu nói.

Trong việc lựa chọn SGK, đại biểu Thanh đề nghị Bộ GDĐT tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hướng dẫn, kiểm tra việc lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục, tới đây là các địa phương khi thực hiện Luật Giáo dục 2019. Việc lựa chọn này phải đảm bảo đúng quy định, tránh hiện tượng tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân.

Còn Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT, các ngành hữu quan thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc tập huấn giáo viên; triển khai và đánh giá đúng kết quả thực hiện chương trình, SGK lớp 1 và các lớp khác; xem xét việc kê giá SGK hàng năm của các NXB để bảo đảm giá cả hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn